Ngày 14/4, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng dự kiến sang tuần sau Bộ Y tế sẽ phân bổ thêm cho thành phố khoảng 10.000 liều để đảm bảo tiêm chủng cho người dân.

Các quận huyện đang rà soát, tập hợp danh sách người cần tiêm đợt này. Tuy nhiên, hạn của vaccine ngắn, trong khi người dân thuộc nhóm cần tiêm chủng và người đi tiêm không nhiều. Ví dụ, một lọ vaccine AstraZeneca đóng 10 liều/lọ, Pfizer 6 liều/lọ, đơn vị cần tập trung đủ người tiêm chủng mới có thể mở lọ để tiêm. Vì vậy, Hà Nội dự trù một cơ số vaccine để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

"Giải pháp trước mắt là nếu địa bàn chưa có vaccine, người dân có thể nhờ tra cứu ở các phường khác để ưu tiên tiêm sớm", ông Tuấn nói. CDC đã bố trí 10 điểm tiêm chủng cho dân, tại Sơn Tây, Tây Hồ, Thạch Thất, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Thanh Oai.

Ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, cho biết đợt tiêm chủng vaccine Covid gần nhất tại địa bàn là khoảng hai tuần trước. Từ đó, không có người dân đăng ký tiêm nữa dù nhân viên y tế liên tục rà soát. Gần đây số ca nhiễm mới tăng, người dân có nhu cầu tiêm mũi tăng cường để phòng bệnh trở nặng nên liên hệ với Trung tâm để được tiêm gấp. Hầu hết những người này đều chưa tiêm các mũi nhắc lại, hoặc trong nhóm dễ bị tổn thương như có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, thai phụ.

Như anh Sơn, 35 tuổi, ở Hà Đông, mắc Covid hai lần, đã tiêm hai mũi vaccine. Anh cho biết "hai lần mắc cộng hai mũi tiêm xem như bốn lần nhiễm, nên không cần tiêm thêm mũi ba". Nay, số ca nhiễm tăng trở lại, nhiều người tái nhiễm, anh lo lắng nên muốn tiêm mũi tăng cường. Còn vợ anh đã tiêm đủ ba mũi, vẫn nhiễm nCoV hôm 11/4, triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, chán ăn. Anh Sơn hỏi trạm y tế, được giải thích là chưa có vaccine, đề nghị để lại thông tin, khi nào phường có vaccine sẽ thông báo.

Trường hợp khác, ông Toàn, 68 tuổi, ở Phú Thượng, Tây Hồ, nhờ con gái gọi điện ra trạm y tế phường để hỏi thông tin tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường. Hai vợ chồng ông đều có bệnh tiểu đường, huyết áp, mỡ máu. Vợ ông mới về nhà sau ba tháng nằm viện điều trị viêm gan B. Ông bà từng nhiễm nCoV vào tháng 2 năm ngoái, đã tiêm hai mũi vaccine cơ bản, chưa nhắc lại liều ba, bốn. "Suốt thời gian qua tôi tưởng dịch đã hết nên không đi tiêm, giờ rất lo lắng khi thấy Covid tăng trở lại", ông Toàn chia sẻ.

Chị Lan, con gái ông, gọi điện đến Trạm y tế phường Phú Thượng, được thông báo hiện chưa có vaccine Covid, đăng ký danh sách chờ. Nhân viên trạm y tế cũng giải thích những đợt tiêm trước đây đều thông báo nhưng nhiều người không đăng ký. Do đó trạm không có sẵn vaccine, phải lập danh sách để xin cấp.

Một số trạm y tế khác vẫn triển khai tiêm, song số người đến ít, chủ yếu là trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Đống Đa, thông tin quận tiếp tục tiêm hết số lượng còn lại (như ngày 13/4 có 10 liều) và lên danh sách dự trù để đề nghị cấp.

Riêng ngày 13/4, Hà Nội tiêm được 348 mũi, nâng tổng số mũi đã tiêm lên gần 21,6 triệu mũi. Theo CDC, hiện gần 100% người ở thủ đô từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản; gần 99% tiêm ba mũi và gần 85% đã tiêm mũi bốn. Nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, gần 100% tiêm đủ mũi cơ bản, 58% đủ ba mũi. Nhóm trẻ nhỏ từ 5 đến dưới 12 tuổi, gần 58% tiêm đủ hai mũi cơ bản.

Số ca Covid-19 tại Hà Nội gần đây tăng. Hai ngày 12 và 13/4, Sở Y tế ghi nhận trung bình 95 ca/ngày, trong khi tháng 3 trung bình 8-10 ca/ngày. 330 bệnh nhân đang điều trị, gồm 156 người nằm viện (có 3 trẻ dưới 5 tuổi), còn lại cách ly theo dõi tại nhà.

CHC2305-4658-1650102223-3420-1-4037-1583-1681381296.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=w5aaMR_ImBEETcW-4ACraw

Một học sinh Hà Nội được tiêm vaccine Covid, năm 2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Đến nay, Bộ Y tế vẫn khuyến nghị tiêm vaccine và áp dụng 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để phòng Covid-19, giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong. Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện cả nước còn khoảng 300.000 liều vaccine AstraZeneca (chưa bao gồm 204.400 liều dự tuyến quốc gia). Số vaccine này sẽ được điều phối đến những địa phương đang cần, nhất là nơi Covid-19 có xu hướng tăng.

Trả lời VnExpress, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam sẽ có khuyến cáo mới về tiêm liều nhắc bổ sung với khoảng cách giữa các liều dài hơn (từ 6 đến 12 tháng tùy đối tượng cụ thể). Nhóm phụ nữ mang thai tiêm liều nhắc bổ sung sau hơn 6 tháng kể từ liều cuối cùng để bảo vệ bà mẹ, thai nhi và trẻ nhỏ sau khi sinh tới 6 tháng tuổi. Nghiên cứu cho thấy nhóm dưới 6 tháng tuổi nguy cơ bệnh nặng cao hơn nhóm từ 6 tháng đến 5 tuổi.

Hệ miễn dịch sau khi nhiễm nCoV sẽ ghi nhớ virus, bảo vệ con người khỏi những lần tiếp xúc trong tương lai. Tuy nhiên, khác với các căn bệnh như sởi, thủy đậu, trí nhớ miễn dịch sau mắc Covid-19 không kéo dài vĩnh viễn. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm đúng và đủ liều vaccine Covid-19, đặc biệt nhóm dễ tổn thương, có nguy cơ chuyển nặng và tử vong khi nhiễm virus.

Theo nghiên cứu vào tháng 10/2021 của Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), người đã khỏi Covid-19 có khả năng tái nhiễm sau 5 đến 8 tháng. Các chuyên gia kết luận tái nhiễm nCoV tương tự nhiễm virus cảm lạnh thông thường, có thể xảy ra từ năm này qua năm khác.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng của vaccine liều tăng cường kéo dài khoảng 4 tháng. Mức độ bảo vệ khác nhau tùy thuộc từng loại. Vaccine Pfizer và Moderna hiệu quả 91% ngăn ngừa triệu chứng Covid-19 trong vòng 6 tháng. Hiệu quả vaccine của AstraZeneca ngắn hơn.

Tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới, riêng ngày 13/4 cao nhất với 497 ca. Bộ Y tế cho biết dịch Covid vẫn được kiểm soát dù số ca nhiễm tăng, tình hình ở cấp độ 1 (màu xanh), đồng thời yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch, chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Minh An - Lê Nga

*Tên nhân vật được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022