Hôm 14/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Ấn Độ và Đông Nam Á báo cáo hơn 80.000 ca mắc mới, trong đó 7 trên 11 quốc gia ghi nhận ca dương tính mới tăng từ 20% trở lên. Số ca tử vong được ghi nhận là 309, tăng 109%, cao nhất tại Ấn Độ (184).

Số ca nhiễm tăng, kéo theo số người nhập viện tăng 0,2%, nhưng số trường hợp điều trị trong khu hồi sức tích cực (ICU) giảm 7%.

Tại Việt Nam, hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia cũng ghi nhận số ca Covid-19 cả nước tăng trở lại. Trong đó, lần đầu tiên biến chủng XBB.1.5 được ghi nhận, theo kết quả giải trình tự gene virus của Sở Y tế TP HCM, công bố sáng 14/4.

Các quốc gia châu Á cho rằng làn sóng Covid-19 mới xảy ra do những biến chủng phụ XBB, một phiên bản của Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng không gây triệu chứng nghiêm trọng.

Hầu hết dân số trong khu vực đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Chính phủ các nước trước đó cũng nhận định những đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ có thể xảy ra sau khi thế giới quyết định sống chung với căn bệnh này.

Một số nhà khoa học còn nhận định số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ gia tăng là dấu hiệu cho thấy virus đang chuyển dần sang trạng thái đặc hữu như cúm mùa. Các ca nhiễm tại nước này hiện nay có triệu chứng nhẹ, được điều trị ngoại trú. Bệnh nhân nhập viện đều là người già hoặc có bệnh nền. Các dấu hiệu tập trung ở đường hô hấp trên như đau họng, chảy nước mũi, sốt và đau nhức cơ thể.

avumynthsbm67oahbpr7iv7ug4-jpe-6853-2931-1681445816.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p4IWaO09jmRQD4AlkRSenw

Hành khách đeo khẩu trang khi rời ga tàu tại Singapore. Ảnh: Reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết đất nước có mức độ miễn dịch cao, nghĩa là tình hình "vẫn được kiểm soát tốt", song ông kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4. Chính phủ Ấn Độ trong tuần này cũng yêu cầu các đơn vị y tế diễn tập ứng phó dịch bệnh. Một loạt bang ban hành trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Tương tự, Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch, chuẩn bị kịch bản ứng phó, bảo vệ nhóm dễ tổn thương như người già, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.

Một số chuyên gia truyền nhiễm kêu gọi các nước không chủ quan, cần thận trọng theo dõi tình hình và giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus thông qua giải trình tự gene. Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick, Anh, nói khi biến chủng mới phát sinh, các quốc gia cần tìm hiểu xem nó có khả năng lây nhiễm, gây bệnh, tử vong cao hơn không cũng như điều gì sẽ xảy ra về mặt miễn dịch.

Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tiếp tục theo dõi sự biến đổi và xuất hiện của các chủng virus mới.

Thục Linh (Theo WHO, Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022