Bệnh viện Mỹ Đức vừa chính thức công bố công trình khoa học về các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung trên Tạp chí y khoa hàng đầu Thế giới hiện nay - The Lancet vào ngày 27/6/2024. Đây là công trình khoa học so sánh các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung để cá thể hóa quá trình điều trị, hỗ trợ thêm nhiều căn cứ giúp đưa ra lựa chọn phác đồ phù hợp nhất nhằm nâng cao tỉ lệ thành công cho từng cặp vợ chồng hiếm muộn.

Hiện nay, điều trị chuyển phôi trữ lạnh đã trở nên phổ biến hơn trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, với việc số chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh ngày càng tăng nhanh. Trong quy trình điều trị này, việc chuẩn bị nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng nhất nhằm đảm bảo cho sự đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung.

bac-si-thuc-hien-chuyen-phoi-sau-khi-bn-da-duoc-chuan-bi-noi-mac-tu-cung-theo-phac-do-phu-hop-17194979923291471349744.jpg

Bác sĩ thực hiện chuyển phôi sau khi BN đã được chuẩn bị nội mạc tử cung theo phác đồ phù hợp.

Việc chuẩn bị nội mạc tử cung giống như là xây dựng một chiếc tổ ấm cho phôi, trước khi phôi được chuyển vào bên trong tử cung. Với một môi trường tốt, phôi có thể phát triển khỏe mạnh hơn, cơ hội đậu thai cũng có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có một thể trạng khác nhau. Việc sử dụng một phác đồ duy nhất sẽ không thật sự phù hợp cho tất cả bệnh nhân.

Dù phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung đã, đang và sẽ được áp dụng rất nhiều trên thế giới, nhưng bằng chứng khoa học về hiệu quả của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung hiện nay lại rất ít. Vì vậy, công trình khoa học "So sánh hiệu quả 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được áp dụng phổ biến trên thế giới" của bệnh viện Mỹ Đức sẽ hỗ trợ cho các bác sĩ có thêm nhiều chứng cứ khoa học giúp đưa ra lựa chọn phác đồ theo hướng cá thể hóa, phù hợp cho từng bệnh nhân, nhằm tối ưu kết quả điều trị.

Công trình khoa học này là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên thế giới được tiến hành với cỡ mẫu lớn 1428 bệnh nhân, thiết kế chặt chẽ, đầy đủ các vấn đề liên quan mật thiết đến hiệu quả - tính an toàn của ba phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung thường được sử dụng nhất hiện nay trong thực hành lâm sàng.

Đây cũng là công trình khoa học đầu tiên có tiến hành phân tích giữa kỳ và được sự đánh giá của hội đồng phân tích dữ liệu quốc tế độc lập bao gồm các Giáo sư Lyle Gurrin, Jim Thorton và Ernest Ng đến từ Anh, Australia và Hong Kong. Việc làm này đảm bảo các dữ liệu nghiên cứu luôn được giám sát và đánh giá khách quan, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân, cũng như tăng tính khoa học và độ tin cậy của nghiên cứu.

BS. Hồ Ngọc Anh Vũ - Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Khi nghiên cứu mới triển khai được hai tháng, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chứng kiến đỉnh điểm của dịch COVID-19. Do ảnh hưởng của việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, việc tiến hành nghiên cứu đã bị tạm dừng. Các nghiên cứu viên phải tập trung tối đa vào việc đảm bảo an toàn cho hoạt động y tế của các hoạt động phòng chống dịch. Một yếu tố quan trọng nhất giúp nhóm nghiên cứu Bệnh viện Mỹ Đức vượt qua khó khăn của dịch COVID-19 là sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả từ các bác sĩ, các bạn nữ hộ sinh, nhân viên y tế, khoa xét nghiệm, nhà thuốc và trung tâm nghiên cứu HOPE - Bệnh viện Mỹ Đức. 

bs-ho-ngoc-anh-vu-truong-don-vi-ho-tro-sinh-san-my-duc-tan-binh-1719498053375661754075.jpg

BS. Hồ Ngọc Anh Vũ - Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức Tân Bình.

Kể từ khi hoàn thành việc nhận mẫu vào tháng 3.2023, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu chuẩn bị bản thảo và các tài liệu liên quan cho việc nộp bài cho The Lancet. Sau hơn 9 tháng, đến ngày 18.12.2023, sau nhiều cuộc họp trực tuyến và trực tiếp giữa nhóm nghiên cứu Việt Nam và các chuyên gia hợp tác từ Úc, nhóm đã gửi bản thảo đầu tiên cho tạp chí. Sau nhiều tháng làm việc và những lần bình duyệt, ngày 11/4/2024, sau 115 ngày kể từ khi nộp bản thảo đầu tiên, nhóm đã nhận được sự chấp thuận để bài báo được đăng trên The Lancet.

Đây là lần thứ 2, một công trình khoa học giá trị của Bệnh viện Mỹ Đức nói riêng và Y khoa Việt Nam nói chung, xuất hiện trên Tạp chí y khoa danh giá nhất thế giới hiện nay - The Lancet. Trước đó, công trình khoa học "So sánh hiệu quả kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) và thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển ở bệnh nhân vô sinh không có bất thường tinh trùng" của bệnh viện cũng đã được công bố trên Lancet vào tháng 4/2021.

Ths.BS. Hồ Mạnh Tường - Đại diện Trung tâm nghiên cứu HOPE, bệnh viện Mỹ Đức cho biết: "Thành quả của công trình khoa học này trân trọng rất nhiều sự đóng không chỉ của nhóm nghiên cứu mà còn tất cả những nhân tố xung quanh đã hỗ trợ cho nghiên cứu này đạt được kết quả thực tế. Các kết quả và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung rút ra từ công trình nghiên cứu này sẽ giúp việc lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân, tối ưu hóa an toàn và hiệu quả của quá trình điều trị, theo xu hướng cá thể hoá của y học hiện đại. Đây cũng chính là điều Bệnh viện Mỹ Đức luôn quan tâm và hướng đến. Hơn 1 năm nay, bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Mỹ Đức đã bắt đầu hưởng lợi ích từ các hiểu biết mới, điều chỉnh phác đồ, đúc kết từ kết quả nghiên cứu này. Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, các kiến thức và hiểu biết mới của đề tài sẽ được lan toả trên toàn thế giới".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022