Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đưa ra quyết định này ngày 24/4, sau nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia về nguy cơ các chất này góp phần làm gia tăng các bệnh mạn tính.

Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. khẳng định, nhiều loại phẩm màu gốc dầu là chất độc và từ lâu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Trong tháng tới, cơ quan này sẽ bắt đầu thu hồi giấy phép của 2 trong số 8 loại phẩm màu tổng hợp phổ biến, đồng thời hợp tác với ngành thực phẩm để tự nguyện loại bỏ 6 loại còn lại trước cuối năm sau. Giới chức cũng đang xem xét phê duyệt 4 chất tạo màu tự nhiên mới và đẩy nhanh quá trình đánh giá các lựa chọn thay thế khác.

Phẩm màu thường xuất hiện trong các sản phẩm như kẹo, ngũ cốc, đồ uống và snack để tạo màu bắt mắt. Ngoài các loại có nguồn gốc tự nhiên như nước ép củ cải đỏ, nhiều phẩm màu lại được tổng hợp nhân tạo, ngày càng gây tranh cãi về mức độ an toàn.

Nhiều tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và chuyên gia cho rằng một số phẩm màu tổng hợp không chỉ không có giá trị dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn rủi ro đe dọa sức khỏe trẻ em, đặc biệt là ảnh hưởng đến hành vi thần kinh. Brian Ronholm, Giám đốc chính sách thực phẩm của Consumer Reports, nhấn mạnh dù chưa có bằng chứng cho thấy các chất này gây ung thư, song vẫn có nguy cơ tác động tiêu cực lên hành vi của trẻ nhỏ.

Ngược lại, các hiệp hội ngành hàng khẳng định phẩm màu đã được đánh giá khoa học chặt chẽ và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Melissa Hockstad, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương hiệu Tiêu dùng Mỹ, cam kết ngành vẫn đảm bảo các sản phẩm an toàn, tiện lợi cùng giá thành cạnh tranh dù có điều chỉnh về thành phần.

800-2-jpeg-1745640161-17456401-2818-8633-1745640258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=agZUqOXGf0svGQilodzbSA

Các loại màu thực phẩm thường được sử dụng trong đồ ngọt. Ảnh: MyMed

Từ tháng 1/2024, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm sử dụng phẩm màu đỏ số 3 trong thực phẩm do lo ngại về nguy cơ ung thư, dù chất này đã bị cấm trong mỹ phẩm từ năm 1990. Một số nghiên cứu chỉ ra phẩm màu nhân tạo liên quan đến tăng động và thay đổi hành vi ở trẻ nhỏ.

Đánh giá năm 2021 của Văn phòng Đánh giá Nguy cơ Sức khỏe Môi trường California cũng xác định các loại như đỏ số 3, đỏ số 40, vàng số 5 có thể làm gia tăng tình trạng bồn chồn và mất tập trung ở một số trẻ.

Tuy vậy, vẫn còn ý kiến cho rằng khó có thể xác định chính xác tác động của từng phẩm màu, vì chế độ ăn uống thông thường thường có nhiều thành phần khác nhau. Bác sĩ Ronald Kleinman, Bệnh viện Nhi Mass General, nhận định hiện chưa có dữ liệu cho thấy phẩm màu tự nhiên an toàn hơn hẳn phẩm màu tổng hợp, đồng thời nhấn mạnh thực phẩm có phẩm màu không phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu ảnh hưởng sức khỏe trẻ.

FDA cho biết phần lớn trẻ em không gặp vấn đề khi dùng các sản phẩm chứa phẩm màu, song cũng thừa nhận một số trẻ có thể nhạy cảm hơn. Cơ quan này hiện vẫn đang tiếp tục xem xét các bằng chứng mới liên quan đến tác động hành vi của nhóm chất này.

Marion Nestle, giáo sư danh dự Đại học New York, đánh giá bằng chứng về tác hại của phẩm màu còn "phức tạp" và thiếu nhất quán. Dù vậy, bà cho rằng nếu vẫn còn nhiều nghi vấn, loại bỏ phẩm màu tổng hợp là giải pháp hợp lý.

Một số bang của Mỹ cũng đã ban hành quy định hạn chế hoặc cấm sử dụng phẩm màu nhân tạo trong trường học. California hạn chế một số loại trong thực phẩm học đường, trong khi West Virginia sẽ áp dụng lệnh cấm bảy phẩm màu tổng hợp trong trường học từ tháng 8 tới và mở rộng trên toàn bang từ năm 2028.

Người tiêu dùng có thể nhận biết các sản phẩm chứa phẩm màu qua danh sách thành phần in trên bao bì. Theo giáo sư Joel Nigg (Đại học Oregon), với những trẻ có biểu hiện tăng động hoặc dễ cáu gắt, việc hạn chế phẩm màu nhân tạo có thể giúp cải thiện tình trạng chỉ sau vài ngày.

Gia đình có thể lựa chọn sử dụng phẩm màu tự nhiên chiết xuất từ trái cây, rau củ khi nấu nướng tại nhà. Tuy nhiên, theo giáo sư Alyson Mitchell (Đại học California), nhóm chất này cũng phức tạp, có mùi vị riêng nên khó ứng dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp.

Bà Mitchell nhấn mạnh, phẩm màu tự nhiên không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối và việc "chạy đua" với sắc màu thực phẩm có thể dẫn đến những hệ lụy khác. Theo bà, đã đến lúc người tiêu dùng cần điều chỉnh lại kỳ vọng về màu sắc trong thực phẩm và đặt sức khỏe lên hàng đầu.

Thục Linh (Theo Washington Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022