Tính đến ngày 7/11, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 292.000 ca sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp. Số ca mới cả nước ghi nhận tuần qua tương đương tuần trước đó.
Tuy nhiên Hà Nội tiếp tục là điểm nóng, số ca mắc sốt xuất huyết tăng, tuần từ ngày 28/10 đến 4/11 ghi nhận 1.312 ca, tăng 8,9% so với tuần trước đó. Ngoài ra, trong tuần qua xuất hiện thêm 58 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện; còn 143 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Các quận, huyện có số ca mắc cao là Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Đống Đa.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 10.700 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 12 ca tử vong. Tất cả 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, với type virus Dengue lưu hành là D1, D2 và D4.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo số mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Ngành y tế khuyến cáo, trong quá trình điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng mệt li bì hay bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không đi tiểu trên 6 giờ... Những trường hợp này cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 3/11. Ảnh: Chi Lê
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết chiến lược chống sốt xuất huyết vẫn là giám sát phát hiện ca mắc tại cộng đồng, xử lý ổ dịch hạn chế lan rộng. Đồng thời, các địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy... để phòng dịch.
Lê Nga