Ngày 6/11, bác sĩ Mai Thu Hoài, Khoa Điều trị bệnh Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán mắc u cơ trơn thực quản. Đây là khối u bắt nguồn từ các tế bào cơ trơn, lành tính, hiếm gặp, chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 1% các khối u thực quản). Thực quản dài khoảng 25-30 cm, thành ống được cấu tạo bằng cơ trơn và cơ vân.
Căn nguyên của u này đến nay chưa rõ ràng, tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ, trong đó lứa tuổi hay gặp từ 20-50 tuổi. Vị trí của khối u thường là 2/3 dưới thực quản, số lượng có thể một hoặc vài khối.
Thông thường khối u cơ trơn được phát hiện tình cờ khi kiểm tra định kỳ hoặc sàng lọc các bệnh lý đường tiêu hóa trên. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng là nuốt vướng, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Theo bác sĩ Hoài, bệnh nhân có triệu chứng đều được khuyên cắt bỏ khối u bằng phẫu thuật. Tuy nhiên để phẫu thuật, bệnh nhân phải mổ mở lồng ngực, thủ thuật xâm lấn nhiều, các nguy cơ và biến chứng sau mổ rất nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và hẹp thực quản.
Khối u cơ trơn thực quản. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh viện 108 hiện áp dụng kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) và cắt tách khối u dưới niêm mạc (ESD) bằng phương pháp nội soi, không cần mổ mở lồng ngực. Sau khi có chẩn đoán khối u cơ trơn, bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp trên. Giải phẫu bệnh cho thấy đây là khối u lành tính.
"Người bệnh ăn uống, đại tiểu tiện bình thường và xuất viện sau ba ngày, hẹn kiểm tra lại sau một tháng", bác sĩ Hoài nói.
Lê Nga