Nghiên cứu chỉ ra rằng ozone trong không khí phản ứng với lớp dầu trên bề mặt da tạo ra một luồng "hào quang", chứa các phân tử gọi là gốc OH. Các phân tử này có thể vô hiệu hóa thành phần độc hại từ ánh sáng mặt trời và không khí, có tên gọi khác là "chất tẩy rửa bầu khí quyển". Về mặt kỹ thuật, luồng hào quang quanh cơ thể là trường oxy hóa.
Để thực hiện nghiên cứu, giáo sư Jonathan Williams, Viện Hóa học Max Planck ở Mainz, và các đồng nghiệp đã đưa 4 tình nguyện viên vào một phòng vô trùng. Tất cả đều đeo mặt nạ dưỡng khí và đo mức độ OH trong không khí. Sau đó, nhóm chuyên gia thêm ozone và nhận thấy mức độ hóa chất tăng đáng kể. Hình ảnh từ dữ liệu hiển thị các trường oxy hóa.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thu được bằng chứng cho thấy cơ thể người có thể sản sinh ra các gốc OH. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa thực sự chắc chắn luồng khí vô hình này có lợi hay có hại, cần nghiên cứu sâu hơn.
"Luồng khí vẫn có thể làm sạch không khí chúng ta hít thở, nhưng chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận. Một hợp chất vô hại có thể trở nên độc hơn nếu bị oxy hóa trong môi trường OH", giáo sư Williams cho biết.
Các nhà khoa học cho biết cơ thể người có cơ chế tự làm sạch không khí xung quanh. Ảnh: Freepik
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng hóa chất OH làm sạch không khí chỉ hình thành bên ngoài môi trường có ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy cơ chế hoạt động khác của chúng.
Thông thường, hợp chất này phát triển và trôi trong khối khí, dưới các tia nắng. Sau đó, chúng phản ứng và tấn công các vật thể xung quanh, lấy các nguyên tử hydro để trở nên ổn định.
Thục Linh (Theo Telegraph)