Hôm 10/12, Bộ Y tế Queensland thông báo Phòng thí nghiệm Virus học Y tế Công cộng đã làm thất lạc hơn 300 ống nghiệm chứa virus giết người. Tiến sĩ Thiravat Hemachudha, nhà thần kinh học Thái Lan, bày tỏ lo ngại về vấn đề này, cho rằng đây sẽ là mối đe dọa đối với y tế cộng đồng.
Các virus bị mất, bao gồm virus Hendra, Lyssavirus và Hantavirus, được phân loại là mầm bệnh BSL-4, yêu cầu mức độ an toàn sinh học cao nhất. Trong một bài phân tích trên trang cá nhân, tiến sĩ Thiravat nêu bật những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc làm thất lạc các tác nhân gây bệnh có tính lây nhiễm cao. Ông lo ngại khả năng virus sẽ rơi vào tay kẻ xấu hoặc bị sử dụng cho mục đích tiêu cực, gây hại người dân.
Sự việc cũng làm dấy lên cuộc thảo luận trong cộng đồng khoa học. Anan Jongkaewwattana, một nhà nghiên cứu virus học phân tử, đặt câu hỏi về quy trình an ninh tại Phòng thí nghiệm Virus học Y tế Công cộng Queensland.
Cả hai chuyên gia đều kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vấn đề này và yêu cầu chính quyền hành động ngay lập tức để ngăn chặn các tác hại tiềm ẩn. Họ cũng nhấn mạnh ban quản lý của các phòng thí nghiệm hoặc cơ sở sinh học cần tăng cường cảnh giác trong việc xử lý và lưu trữ các mầm bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu gần đây.
Các ống nghiệm được báo cáo mất tích lần đầu vào tháng 8/2023. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Cấp cứu, Tim Nicholls, cho biết cuộc điều tra là tối quan trọng, nhằm đảm bảo các vi phạm nghiêm trọng tương tự không xảy ra. Ông cũng tuyên bố công chúng có quyền được biết về vụ việc.
"Với một vi phạm nghiêm trọng như vậy trong quy trình an toàn sinh học, Bộ Y tế Queensland phải điều tra kỹ càng và ngăn chặn tình trạng này. Bộ đã thực hiện các bước cần thiết kể từ khi nhận được thông báo liên quan", ông nói.
Trong cuộc điều tra, giới chức cần đảm bảo không bỏ sót bất cứ chi tiết nào trong quy trình xử lý sự cố, kiểm tra các chính sách hiện hành tại phòng thí nghiệm. Các điều tra viên cũng sẽ xem xét việc tuân thủ quy định của nhân viên.
Minh họa các ống nghiệm tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Pexel
Bộ Y tế Queensland đã thực hiện các biện pháp chủ động kể từ khi phát hiện ra vi phạm, gồm đào tạo lại nhân viên để đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, kiểm tra tất cả các giấy phép liên quan để đảm bảo trách nhiệm giải trình và lưu trữ vật liệu chính xác.
Giám đốc Y tế Queensland, tiến sĩ John Gerrard, xác nhận công chúng không gặp rủi ro do tính chất của vụ việc.
"Rất khó hình dung ra một kịch bản mà cộng đồng có thể gặp rủi ro. Điều quan trọng cần lưu ý là các mẫu virus sẽ bị phân hủy rất nhanh bên ngoài tủ đông và không còn có thể lây nhiễm. Nhiều khả năng, các mẫu đã bị tiêu hủy bằng nồi hấp tiệt trùng theo quy trình thông thường của phòng thí nghiệm và không được ghi lại đầy đủ", ông Gerrard nói.
Tiến sĩ Gerrard nhận định có khả năng các mẫu đã bị tiêu hủy đúng cách và quy trình này không được ghi lại đầy đủ. Ông cho biết thêm, khó có khả năng các mẫu virus bị vứt bỏ cùng với rác thải phòng thí nghiệm. Trong 5 năm qua, Queensland cũng chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Hendra, Lyssavirus và Hanta.
Bên cạnh đó, không có bằng chứng cho thấy virus đã bị đánh cắp có chủ ý để dùng cho mục đích xấu. Các virus nguy hiểm, nhưng tỷ lệ lây nhiễm thấp, vì vậy không thể trở thành vũ khí sinh học nếu không được biến đổi gene.
"Quá trình vũ khí hóa virus rất phức tạp và không phải là điều mà một người nghiệp dư có thể làm", ông Gerrard nói.
Bộ Y tế Queensland đã ủy quyền cho một cơ quan thực hiện điều tra độc lập về các mẫu virus thất lạc, đảm bảo tình trạng này không xảy ra lần nữa. Cuộc điều tra sẽ do Thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu, Martin Daubney AM KC, đứng đầu. Đồng điều tra viên là chuyên gia an toàn sinh học Julian Druce.
Thục Linh (Theo Thai Nation, Sky News)