Anh biết mình đang bị căng thẳng nghiêm trọng do các vấn đề về nhân sự, chi phí ập đến cùng lúc. Thiếu sự hỗ trợ của gia đình, anh không có thời gian để làm bất cứ điều gì khác. Sự kiệt quệ lên đến đỉnh điểm vào mùa hè vừa qua, khi Steve thậm chí không thể rời giường.

"Tôi đã làm việc cả ngày và ngủ chập chờn. Tôi không thể suy nghĩ thấu đáo, bắt đầu nghi ngờ bản thân ngay cả trong những quyết định nhỏ nhất", anh chia sẻ trên SCMP, hôm 22/11.

Steve bắt đầu uống rượu nhiều hơn bình thường để có thể ngủ, song thói quen này khiến anh mệt mỏi hơn vào hôm sau và gây ra tình trạng lo âu.

"Tôi không biết mình nên làm gì. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại cho đến khi tôi không thể chịu đựng được nữa", anh nói.

Steve không phải người duy nhất ở Hong Kong đối mặt với tình trạng này. Theo các nhà tâm lý, anh bị kiệt quệ (burnout). Đây là hiện tượng khá phổ biến ở nơi được coi là căng thẳng nhất châu Á. Mức độ căng thẳng ở Hong Kong gia tăng trong vài năm qua do tác động của tình trạng bất ổn xã hội 2019 và đại dịch 2020-2021.

Khảo sát về Sức khỏe Toàn cầu năm 2022 của Cigna cho thấy Hong Kong là nơi có điểm số sức khỏe tinh thần thấp nhất trong ba năm liên tiếp, sau Ấn Độ và Singapore. Trong số 1000 người được khảo sát, 87% cho biết họ cảm thấy căng thẳng, kiệt quệ, 19% chia sẻ mình không thể kiểm soát được tình trạng này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kiệt quệ là "một hội chứng xảy ra do căng thẳng mạn tính, không thể kiểm soát được". Burnout được đưa vào Bảng phân loại Quốc tế về Bệnh tật như một tình trạng sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp.

WHO cho biết ba biểu hiện đặc trưng của kiệt quệ bao gồm: cảm giác cạn năng lượng hoặc kiệt sức; cảm thấy xa rời về tinh thần với công việc, liên tục thấy tiêu cực hoặc hoài nghi; giảm hiệu suất, hiệu quả làm việc. Người bị kiệt quệ luôn thấy mệt mỏi, kể cả vào cuối tuần và không có động lực tận hưởng những hoạt động vui chơi, tiêu khiển thông thường.

Các dấu hiệu hành vi của kiệt quệ bao gồm trì hoãn, chậm trễ deadline, làm việc kém hiệu quả và phạm sai lầm bất cẩn. Nhiều người trở nên cô lập về mặt xã hội, cáu kỉnh thường xuyên và không trả lời tin nhắn từ bạn bè.

agency-young-adult-profession-9669-3456-1669191467.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HNOGHM1nr1R77vnB7toMFQ

Minh họa tình trạng quá tải, căng thẳng và kiệt quệ trong công việc. Ảnh: Freepik

Tiến sĩ Cindy Chan, chuyên gia tâm lý tại Hong Kong, cho biết số người bị kiệt quệ đến phòng khám của bà đã gia tăng trong thời gian gần đây. Nhiều bệnh nhân có tính cầu toàn, đặt kỳ vọng quá cao ở bản thân. Đối mặt với tình trạng kiệt sức, họ có thể xin nghỉ phép, song các áp lực vẫn không giảm bớt.

"Một số bệnh nhân của tôi cho biết tim họ đập loạn lên mỗi khi phải nhận email, dù nội dung rất đơn giản. Họ luôn cảm thấy lo lắng và có thể lên cơn hoảng loạn", tiến sĩ Chan nói.

Kiệt quệ không xảy ra một sớm một chiều. Nó hình thành dần dần trong nhiều tháng, thường là nhiều năm làm việc. Theo Mayo Clinic, kiệt quệ có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau.

Một số người lao động thiếu kiểm soát trong công việc. Họ không có khả năng tác động đến các quyết định sẽ ảnh hưởng đến bản thân, chẳng hạn lịch trình, khối lượng việc làm một ngày, dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Nhiều người không nắm rõ kỳ vọng từ cấp trên đối với bản thân, mức độ thẩm quyền của mình và cấp trên. Điều này gây ra tâm lý không thoải mái.

Một số người gặp phải tình trạng bắt nạt ở công sở, cảm thấy bị xúc phạm bởi đồng nghiệp, cấp trên. Khi một công việc quá đơn điệu hoặc hỗn loạn, người lao động cần nhiều năng lượng để duy trì sự tập trung, dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức.

Kiệt quệ kéo dài để lại những hậu quả nghiêm trọng. Để đối phó với căng thẳng và âu lo, nhiều người phản ứng cực đoan bằng cách ăn uống vô độ, lạm dụng chất kích thích, mua sắm bừa bãi (nghiện mua sắm).

Tình trạng kiệt quệ cũng ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Nhiều người dễ ốm vặt, đau đầu, đau lưng, gặp vấn đề về dạ dày hơn. Căng thẳng quá mức là nguồn cơn của bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường loại 2.

Theo tiến sĩ Chan, những cách đơn giản để giải quyết tình trạng kiệt quệ là đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc. Mọi người có thể tìm lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách thiết lập ranh giới giữa gia đình và cơ quan, ngừng trả lời các email công việc khi đã trở về nhà.

Cuối cùng, người gặp tình trạng kiệt quệ cần tăng cường kết nối xã hội, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người đáng tin cậy, trò chuyện về những vấn đề đang gặp phải.

Thục Linh (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022