Thông tin được Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu năm 2024, do Bộ Y tế và Roche Pharma Việt Nam tổ chức, ngày 16/10 tại Bệnh viện K.

Với gần 25.000 trường hợp mới phát hiện, ung thư vú hiện vượt qua ung thư gan, dẫn đầu về số ca mắc mới tại Việt Nam, theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN). Trước đây, ung thư vú xếp thứ nhất về số ca mắc mới ở nữ giới, nếu tính chung cả hai giới thường đứng sau ung thư gan hoặc phổi.

"Ung thư vú có tỷ lệ sống còn cao, lên đến hơn 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị phức tạp hơn", ông Thuấn nói, khuyến cáo phụ nữ nên tầm soát bệnh sớm.

Những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt hơn 77% so với 52% ở giai đoạn 2008-2010. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến 90%, thậm chí với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, tỷ lệ sống thêm 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

3li-byt1016-news-44-jpg-172907-6236-5403-1729070752.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E5WTfpygV4q0fqf0PdgSBQ

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: T.Bình

Ung thư vú giai đoạn sớm dấu hiệu không rõ ràng, chủ yếu phát hiện qua tầm soát. Giai đoạn hơi muộn hơn, bệnh thường biểu hiện với khối cứng không đau, không di động ở vùng ngực, tiết dịch bất thường ở núm vú. Một số yếu tố nguy cơ ung thư vú là người trên 50 tuổi, gia đình có người mắc ung thư vú, hút thuốc lá và uống rượu bia, thừa cân béo phì, tiếp xúc với bức xạ, sử dụng liệu pháp thay thế hormone...

Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.

Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng hãy cùng chung tay đẩy lùi bệnh ung thư vú. Các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ.

DAT03327-2561-1729070752.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5DWe4KDO2A7zy79cf6bCrA

Bệnh nhân ung thư vú tham gia chương trình. Ảnh: Lê Hà

Tại chương trình, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết từ năm 2012, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đã liên tục tổ chức các chương trình truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú hàng năm trên toàn quốc, giúp hàng triệu người tiếp cận thông tin về ung thư vú và hơn 72.000 phụ nữ nguy cơ cao đã được tầm soát ung thư vú miễn phí.

Còn ông Lennor Carrillo, Tổng giám đốc Roche Pharma Việt Nam, cho hay thông qua các hoạt động này, hy vọng sẽ thúc đẩy cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư vú - một căn bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện kịp thời.

Điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, kết hợp với các phương pháp khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Dù vậy, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, các chuyên gia nhấn mạnh.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022