Đêm 11/4, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép phổi “xuyên Việt” đầu tiên được thực hiện cho người phụ nữ 54 tuổi, Hà Nội bằng tạng phổi của người hiến chết não tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).
Tạng được vận chuyển bằng đường hàng không ra Hà Nội trong vòng 6 tiếng. Ca phẫu thuật diễn ra trong đêm, kéo dài suốt 8 tiếng với sự phối hợp của hàng chục chuyên gia từ Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện E.
Người phụ nữ mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, với 80% nhu mô phổi bị thay thế bởi kén khí, suy hô hấp mạn tính, phụ thuộc oxy 6 tiếng mỗi ngày. Sau ghép, bệnh nhân đang hồi phục tích cực tại Trung tâm Ghép phổi.

Đội ngũ bác sĩ ghép phổi cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
Một tuần sau, đêm 18/4, ca ghép phổi thứ hai tiếp tục được thực hiện thành công cho bệnh nhân nữ 37 tuổi, Thanh Hóa, người mắc bệnh lý u cơ trơn bạch mạch (LAM) - rối loạn hiếm gặp khiến phổi mất dần chức năng.
Tạng phổi được hiến bởi nam thanh niên 35 tuổi chết não tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau 7 giờ phẫu thuật, chỉ 8 giờ hậu mổ, bệnh nhân được rút ống thở, bắt đầu hô hấp bằng hai lá phổi mới.
Trước ca mổ, chị sụt cân, khó thở tăng dần và phải thở oxy 14-16 tiếng mỗi ngày. Nếu không được ghép phổi kịp thời, chị đứng trước nguy cơ tử vong.
Kinh hoàng phát hiện bã thức ăn to bằng quả trứng trong dạ dày cụ bà do thói quen ăn các loại trái cây xanh
Cả hai bệnh nhân đều được Bệnh viện Phổi Trung ương theo dõi từ trước, nằm trong danh sách chờ ghép. Ngay khi có nguồn hiến tạng, bệnh viện nhanh chóng tổ chức hội chẩn, điều phối và huy động lực lượng để thực hiện. Ghép phổi đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện, được triển khai bài bản theo chuẩn quốc tế.
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả bộ phận. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não, trong đó tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Việt Nam hiện có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến.
Sự thành công của hai ca ghép không chỉ mang lại cơ hội sống cho người bệnh mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử ghép tạng của y học Việt Nam.