Sáng 23/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết từ ngày 13 đến 20/12, toàn thành phố ghi nhận 50 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 6 trường hợp so với tuần trước đó.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 259 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Phân bố theo nhóm tuổi, có 75 trường hợp dưới 9 tháng tuổi (chiếm 29%), 47 trường hợp từ 9-11 tháng tuổi (chiếm 18,1%), 85 trường hợp từ 1-5 tuổi (chiếm 32,8%), 21 trường hợp từ 6-10 tuổi (chiếm 8,1%), 31 trường hợp trên 10 tuổi (chiếm 12%).

Riêng Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận hơn 40 ca kể từ đầu tháng 10.

Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết khoảng 30% bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở ôxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhi mắc sởi cũng gia tăng. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi mắc sởi.

Bác sỹ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện, cho biết các trẻ mắc sởi được ghi nhận chủ yếu là trẻ từ 4 tháng tuổi đến 8 tuổi. Nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, thời gian tới sẽ có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tại Thượng Thanh (Long Biên), Xuân La (Tây Hồ), La Khê (Hà Đông); giám sát công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm chủng vaccine bạch hầu, uốn ván tại Long Biên.

  • benh-soi-1-1024x683-1-17346722544721417142794-14-0-390-602-crop-17346724601041722711946.jpg

    Cảnh báo số ca mắc sởi tại Hà Nội tăng: Dấu hiệu trẻ mắc sởi chuyển nặng và việc cha mẹ cần làm để bảo vệ con

Trung tâm sẽ tiếp tục giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tại Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng), Vĩnh Ngọc (Đông Anh), Nhân Chính (Thanh Xuân), Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm)...

Trung tâm cũng khuyến cáo, để kiểm soát dịch bệnh, các gia đình cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vaccine sởi.

Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định; tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi của trẻ từ 1-5 tuổi đang sinh sống tại thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.

Đồng thời, các trung tâm cần tăng cường truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa Đông Xuân; trong đó, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine.

Nguồn: TTXVN

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022