Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của một người như đặc điểm tạng người dễ tích mỡ hay khó tích mỡ, tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, một số bệnh lý di truyền...

Cụ thể, hình dạng cơ thể và đặc điểm sinh lý có thể được phân thành 3 loại chính gồm ectomorph (tạng người gầy, cơ địa khó tích mỡ), mesomorph (tạng người lực, khung xương to và chắc chắn) và endomorph (tạng người béo, cơ địa dễ tích mỡ). Trong đó, ectomorph là nhóm có cơ địa khó tích mỡ, tỷ lệ mỡ thấp, khó tăng khối lượng cơ. Những người thuộc nhóm này sẽ khó tăng cân ngay cả khi ăn nhiều và cần một chế độ ăn giàu calo, giàu protein và chất béo lành mạnh để hỗ trợ tăng cân, tăng cơ.

Yếu tố khác ảnh hưởng đến việc duy trì cân nặng là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản. Một số người có tốc độ trao đổi chất tự nhiên cao hơn, tiêu hao nhiều calo ngay cả khi nghỉ ngơi. Tỷ lệ trao đổi chất cao thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc do rối loạn chức năng tuyến giáp. Tỷ lệ trao đổi chất có thể thay đổi giữa các nhóm chủng tộc do ảnh hưởng của yếu tố di truyền, thành phần cơ thể (khối cơ, mỡ), và hormone nội tiết. Người châu Á, đặc biệt là Đông Á (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), thường có tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn người da trắng và da đen. Các nghiên cứu ở Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn khoảng 7-12% so với các quần thể phương Tây ở cùng một mức cân nặng.

Một số bệnh lý di truyền có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng, như bệnh xơ nang do đột biến gene gây suy giảm chức năng tuyến tụy ngoại tiết, dẫn đến thiếu enzyme tiêu hóa. Hậu quả là không tiêu hóa được chất béo, protein và một số vitamin tan trong dầu. Hoặc, bệnh không dung nạp gluten di truyền do đột biến gây phá hủy các nhung mao ruột, giảm diện tích hấp thu các chất dinh dưỡng. Hội chứng rối loạn hấp thu carbohydrate di truyền gây kém hấp thu năng lượng từ tinh bột, dẫn đến suy dinh dưỡng.

Thanh-pham-1-1-6879-1691832741-2296-4095-1734510291.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SoMMw5vr_4QUM4SnOjnyPA

Ăn nhiều nhưng vẫn gầy do cơ địa kém hấp thu. Ảnh: Bùi Thủy

Ngoài ra, sự hấp thu dinh dưỡng có thể giảm do nhiều thói quen và yếu tố. Ăn quá nhanh và nhai không kỹ làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Sử dụng quá nhiều chất bổ sung hoặc tương tác thuốc. Ở người khỏe mạnh, nếu dùng nhiều chất bổ sung, các chất dinh dưỡng có thể cạnh tranh hấp thu lẫn nhau. Ví dụ uống quá nhiều kẽm có thể cản trở hấp thu đồng.

Bên cạnh đó, tác động của chất xơ trong các nhóm thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng cân nặng. Chất xơ không hòa tan (như cellulose) tăng cường tốc độ di chuyển của thức ăn qua ruột và có thể cản trở hấp thu chất béo, vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Chất xơ hòa tan (như pectin) có thể liên kết với axit mật và chất béo, làm giảm hấp thu lipid. Một số thực phẩm chứa các chất tự nhiên có thể ức chế enzyme tiêu hóa, như phytate trong các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám, giảm hấp thu các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi. Tannin trong trà và cà phê ức chế hấp thu sắt. Protease inhibitors trong đậu sống (ví dụ đậu nành), làm giảm tiêu hóa protein.

Đồng thời, theo y học cổ truyền, người khó tăng cân thuộc một số dạng thể chất nhất định. Như thể chất khí hư, dương hư, huyết hư, âm hư... ảnh hưởng công năng vận hóa của tỳ vị. Vòng xoáy của thể chất hư yếu cộng với công năng tỳ vị suy kém sẽ khiến cho quá trình nuôi dưỡng cơ thể bị ảnh hưởng.

Trong dưỡng sinh, y học cổ truyền rất chú trọng đến thực dưỡng. Đối với người thể chất hư như khí hư, cần chú trọng các thực phẩm dễ tiêu như cháo gạo nếp, phối hợp với các gia vị như gừng, tiểu hồi, các thảo dược như nhục đậu khấu, sơn tra, trần bì. Đối với người thể chất dương hư, cần chú trọng các thực phẩm có tính ấm như thịt dê, thịt gà ác, các gia vị như quế, hồi hương, các thảo dược như sa nhân, thảo quả, hạt sen...

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022