Một số cho rằng đây là tác động của lượng rượu còn sót lại trong người từ tối hôm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích cảm giác chuếnh choáng chủ yếu do tác động của rượu đến não bộ và cơ thể trong giấc ngủ. Một số người có thói quen uống một vào ngụm rượu trước khi đi ngủ, với suy nghĩ cồn có thể khiến thiếp đi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này không đúng.
Theo Tiến sĩ Ashwin Sharma, chuyên gia y tế tại MedExpress, khi uống rượu bia, cơ thể ưu tiên phân giải cồn hơn các quá trình khác. Điều này dẫn đến tích tụ sản phẩm phụ độc hại như acetaldehyde, gây viêm và mệt mỏi. Ban đầu, rượu ức chế hệ thần kinh trung ương tạo cảm giác thư giãn hoặc hưng phấn. Tuy nhiên, khi rượu được chuyển hóa, não bộ trở nên hưng phấn hơn, dẫn đến bồn chồn, rối loạn giấc ngủ và tăng nhịp tim trong nửa sau của đêm.
Tiến sĩ Steve Allder, chuyên gia thần kinh tại Re Cognition Health, cho biết rượu bia tác động đến vùng dưới đồi, khu vực não điều chỉnh nhịp sinh học, ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học bên trong. Chất lượng giấc ngủ gần như luôn kém đi sau khi uống rượu. Cồn ức chế giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement - giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) trong nửa đầu đêm. Cơ thể chuyển hóa rượu tạo ra hiệu ứng phục hồi, khiến mọi người dễ tỉnh giấc, chập chờn hơn. Nó cũng phá vỡ đặc tính phục hồi của giấc ngủ sóng chậm, khiến bạn uể oải hơn vào ngày hôm sau.
Rượu bia có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Ảnh: Unplash
Rượu bia còn là chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu thường xuyên và mất nước, làm gián đoạn giấc ngủ và thức giấc sớm. Sau một đêm ngủ kém chất lượng do rượu bia, nhận thức bị ảnh hưởng làm thay đổi tâm trạng, bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và đầu óc kém minh mẫn. Rượu cũng có thể gây đau đầu, chóng mặt và khô miệng do mất nước.
Uống rượu bia thường xuyên tạo ra chu kỳ ngủ kém và tăng mệt mỏi. Khi cơ thể phải vật lộn để duy trì nhịp thức ngủ tự nhiên, nhiều người sinh chứng thiếu ngủ mạn tính, cản trở sinh hoạt, học tập và làm việc ban ngày. Uống rượu bia nhiều làm suy yếu hệ miễn dịch, bạn dễ ốm hơn.
Rối loạn giấc ngủ trong thời gian dài dẫn đến chứng mất ngủ dai dẳng, mệt mỏi, tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng. Theo thời gian, giấc ngủ kém góp phần gây ra các vấn đề về tim mạch, giảm chức năng nhận thức.
Để giảm tác động của rượu bia đến giấc ngủ, các chuyên gia khuyến nghị nên uống nước lọc xen kẽ giữa các ly rượu, tránh uống rượu bia trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ để cơ thể có thời gian chuyển hóa. Ưu tiên thói quen ngủ nhất quán bằng cách đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày. Tiếp xúc với ánh sáng ban ngày để giúp điều chỉnh nhịp sinh học sau khi giấc ngủ bị gián đoạn.
Thục Linh (Theo Independent)