Uống đủ nước là cách tốt để duy trì năng lượng suốt cả ngày. Để giảm ô nhiễm môi trường, nhiều người lựa chọn các loại bình tái sử dụng để bổ sung nước mỗi ngày, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, những chiếc bình tiện lợi này có thể trở thành môi trường phát triển lý tưởng cho vi khuẩn và mốc nếu không rửa thường xuyên.
Theo tiến sĩ Wanda Phipatanakul, nhà miễn dịch học, nhà nghiên cứu chất gây dị ứng tại Bệnh viện Nhi Boston, nấm mốc phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Nước đọng trong bình nhiều ngày sẽ tạo ra nơi sinh sản, nhân lên cho bào tử nấm mốc từ không khí. Các loại nấm phổ biến là Cladosporium (màu xanh đậm hoặc nâu); Penicillium (xanh lam hoặc xanh lá); Aspergillus (đốm trắng, vành hoặc xanh lá cây) và Stachybotrys (đốm đen).
Nấm không phải sinh vật duy nhất phát triển trong điều kiện ẩm và tối. Mỗi khi uống một ngụm nước, miệng con người có thể truyền vi khuẩn sang chai. Những vi khuẩn này đôi khi tích tụ với nấm để tạo thành màng nhầy sinh học. Nước tăng lực và nước ngọt có đường sẽ đẩy nhanh sự phát triển của những loại sinh vật này.
Hầu hết nấm khá vô hại. Hệ thống miễn dịch con người dễ dàng nhận biết và loại bỏ chúng. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm hơn với việc tiếp xúc nấm mốc, chẳng hạn người có hệ miễn dịch tổn thương, bị hen suyễn và dị ứng. Họ sẽ đau đầu, thấy mệt mỏi hoặc ngạt mũi.
Người ăn hay hít nấm mốc vài tuần đều có thể bị buồn nôn và đau bụng. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng cho thấy tiếp xúc nấm mốc trong thời gian ngắn gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm phế quản, sương mù não, mệt mỏi mạn tính như các cảnh báo tràn lan trên Tiktok.
Một loại bình nước giữ nhiệt được nhiều người sử dụng. Ảnh: Pexel
Để giữ chai nước sạch sẽ, các chuyên gia khuyến nghị rửa hàng ngày hoặc ít nhất một tuần một lần. Bạn hãy dùng tay hoặc bàn chải để làm sạch phần cổ hẹp và cả bên trong ống hút, nơi dễ đọng bẩn. Các gia đình có máy rửa chén có thể làm sạch bình ở mức nước nóng nhất.
Để làm sạch sâu hơn, bạn ngâm bình nước 30 phút trong hỗn hợp nước và giấm trắng, tỷ lệ bằng nhau. Phương pháp này có thể diệt bào tử nấm mốc. Trộn giấm với baking soda cũng có thể tạo ra bọt khí giúp đánh bật một số nấm mốc.
Việc lựa chọn bình nước cũng rất quan trọng. Dee Carter, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Sydney, không khuyến khích sử dụng bình nhựa. Ông nhận định các chất tiết ra từ nhựa không chịu nhiệt khi gặp nước nóng hoặc hạt vi nhựa từ các loại bình kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Ông gợi ý mọi người chọn bình kim loại hoặc thủy tinh. Lựa chọn tốt nhất là thép không gỉ. "Nó dễ rửa và không dễ mọc nấm mốc, vấn đề duy nhất của nó là giá cả", ông nói.
Các loại bình miệng rộng, có nắp đậy tháo rời được thường dễ làm sạch hơn. Ông Carter khuyên người dùng tránh mua bình có nhiều đường rãnh, chi tiếp bên trong vì thường khó rửa. Đây cũng là vị trí nấm mốc và vi khuẩn cư trú.
Thục Linh (Theo ABC News)