Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh:
Mới đây, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ thông tin đã tiếp nhận bệnh nhân Q.N.H. (15 tuổi, trú tại Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) với triệu chứng đau đột ngột vùng bẹn và tinh hoàn phải.
Bệnh nhân cho biết xuất hiện sưng đau tinh hoàn bên phải khoảng 3-4 tiếng trước khi vào viện. Sau khi chia sẻ với gia đình, H. được đưa vào bệnh viện kiểm tra. Trong quá trình thăm khám, Ths.BS Nguyễn Thanh Sơn, Phó khoa Ngoại Nhi tổng hợp, ghi nhận vùng bìu phải sưng nề, khám sờ nắn tinh hoàn phải thấy đau nhói nhiều, đau lan lên vùng bẹn, bụng phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng bìu cấp, nghĩ đến xoắn tinh hoàn phải.
Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định mổ khẩn cấp. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận tinh hoàn bên phải bị xoắn 270 độ, tím đen. Bệnh nhân H. được tháo xoắn và phong bế bằng bó mạch tinh. Ngay sau đó, tinh hoàn đã hồng hào trở lại, được bảo tổn. Bác sĩ tiếp tục kiểm tra tinh hoàn bên trái không có xoắn tinh hoàn và cố định lại.
Sau phẫu thuật, bác sĩ cho biết toàn trạng bệnh nhân ổn định. Trường hợp bệnh nhân Q.N.H. được mổ là khoảng 4,5 tiếng tính từ thời điểm bắt đầu có triệu chứng đau bìu. Đây khoảng "thời gian vàng" (trước 6 giờ kể từ khi có dấu hiệu xoắn, đau) nên đã bảo tồn được tinh hoàn, không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo BS Nguyễn Thanh Sơn, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở tất cả lứa tuổi nhưng hay gặp trẻ sơ sinh và dậy thì. Phẫu thuật trước 6 giờ có khả năng cứu được 100% các trường hợp xoắn, 6-12 giờ là 70% và chỉ có khoảng 20% khi mổ trong khoảng 12-24 giờ.
Các trường hợp đến muộn, tinh hoàn bị hoại tử phải cắt bỏ. Điều này không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, rối loạn nội tiết mà còn ảnh hưởng tâm lý người bệnh.
Xoắn tinh hoàn có những dấu hiệu như đau đột ngột dữ dội vùng bìu, nôn, buồn nôn. Tuy nhiên, một số trường hợp khởi phát mơ hồ, đau ít. Khi khám, tinh hoàn sưng đau nằm cao hơn và nằm ngang, mất phản xạ da bìu. Chạm vào tinh hoàn đau, kéo tinh hoàn xuống thấp đau. Đây là một trong những cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp, cần chẩn đoán và xử lý sớm.
GĐXH - Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao rét run, thể trạng nhiễm trùng - nhiễm độc, thở gắng sức, người mệt lả, tiếp xúc chậm, huyết áp tụt.