Laser là gì?

Laser, viết tắt của Light Amplification by the Stimulated Emission of Radiation - Khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích, đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực giải trí. Công nghệ này kết hợp với các thiết bị quang học khác như màn chiếu, quả cầu gương, đầu máy chiếu từ xa và cáp quang, tạo nên những màn trình diễn đầy màu sắc và ấn tượng.

Một loại laser cơ bản gồm ống kín chứa một cặp gương và môi trường laser. Môi trường này được kích thích bởi năng lượng để tạo ra ánh sáng nhìn thấy được, hoặc bức xạ tử ngoại hay hồng ngoại vô hình. Khác với ánh sáng thông thường có nhiều bước sóng và lan tỏa mọi hướng, ánh sáng laser có bước sóng cụ thể, tập trung thành chùm tia hẹp và cường độ cao ở khoảng cách xa.

Laser được sử dụng ở đâu và thế nào?

Laser được sử dụng trong nhiều sự kiện và địa điểm khác nhau: lễ hội âm nhạc, nhà hàng, câu lạc bộ đêm, sự kiện sân khấu, địa điểm hội họp, trình diễn ánh sáng cố định, hiệu ứng laser kết hợp pháo hoa, trưng bày nghệ thuật và quảng cáo, hệ thống chiếu video laser, chiếu sáng nghệ thuật và giải trí...

Khi được sử dụng đúng cách bởi các chuyên gia, ánh sáng laser mang đến hiệu ứng ấn tượng cho các sự kiện giải trí.

Laser có thể gây thương tích, song các buổi trình diễn ánh sáng tuân thủ quy định an toàn sẽ đảm bảo tia laser tránh xa khán giả. Đối với chương trình mà chùm tia laser có thể chiếu vào đám đông, công suất của laser được giữ dưới mức nguy hiểm.

pexels-pixabay-417458-17364034-8964-1286-1736404121.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KN_-z5keUfd93Ngj2LSIWQ

Laser tạo hiệu ứng ấn tượng tại sự kiện âm nhạc, nhà hàng và sân khấu. Ảnh: Pexels

Rủi ro khi dùng laser

Sử dụng laser không đúng cách có thể gây ra một số rủi ro như: tổn thương mắt, bỏng da, cháy nổ, và các nguy cơ mất an toàn khác cho phi công, tài xế và những người có thể bị phân tâm hoặc tạm thời không nhìn thấy.

Đèn laser sân khấu gây hại thị lực thế nào

Công suất gây hại

Theo các bác sĩ, đèn laser loại 3 (có công suất ra từ 5 mW - 500 mW) và 4 (có công suất cao trên 500 mW) nguy hiểm cho cơ thể con người, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như da và mắt. Laser có màu xanh lá cây, đỏ và vàng được tạo ra ở các bước sóng khác nhau.

Hội Nhãn khoa Poona (POS) năm ngoái đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của đèn laser, đặc biệt là loại có công suất lớn hơn 5 mW, đối với võng mạc. Tiếp xúc với chùm tia laser có thể gây ra các triệu chứng như tổn thương mắt, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt và chảy nước mắt. Theo Học viện Nhãn khoa Mỹ, đèn laser công suất lớn hơn 5 MW có thể gây tổn thương võng mạc và mù lòa vĩnh viễn. Cần hướng chùm tia laser lên trên hoặc về phía bầu trời để tránh chiếu vào mắt người khác.

Khi nhìn trực tiếp

Theo đại diện tổ chức, nhìn trực tiếp vào đèn laser có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn trong trường hợp nặng.

Đã có trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết võng mạc và sưng do tiếp xúc với đèn laser. Nếu các mạch máu mỏng manh trong võng mạc tiếp xúc trực tiếp với tia laser, có nguy cơ xuất huyết làm suy giảm thị lực.

Khi tiếp xúc lâu dài

Bác sĩ phẫu thuật mắt Sanjay Patil, thành viên của POS cũng cho biết việc tiếp xúc lâu dài với tia laser có thể gây ra các vấn đề nhỏ như mất thị lực tạm thời, giảm thị lực, đau đầu và đau mắt trong vài phút đến vài ngày.

Trong trường hợp biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc, tổn thương không thể phục hồi ngay cả sau khi điều trị. Chảy máu ở phần trung tâm võng mạc có thể gây mất thị lực và không thể phục hồi.

Các biện pháp phòng tránh tổn thương mắt

  • Sử dụng đèn laser công suất dưới 5 mW.
  • Giữ khoảng cách an toàn với đèn laser và đảm bảo không chiếu trực tiếp vào mắt. Cần đặc biệt cẩn thận với trẻ em.
  • Hướng chùm tia laser lên trên hoặc về phía bầu trời để tránh chiếu vào mắt người khác.
  • Đăng ký bắt buộc và tuân thủ các hướng dẫn đối với các buổi trình diễn laser.
  • Đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu gặp vấn đề về mắt do đèn laser.

Mỹ Ý (Theo FDA, Hindustan Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022