Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế), nêu tại Lễ thành lập chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Việt Đức, ngày 18/1. Chi hội được lập với mục tiêu tuyên truyền vận động tăng nguồn hiến tạng, cứu sống nhiều người hơn.
Đề xuất được đưa ra trước bối cảnh nhu cầu người bệnh cần ghép tạng rất lớn, song tại Việt Nam, tỷ lệ nguồn tạng hiến (từ người cho chết và chết não) chiếm chưa đến 0,1% trong tổng số nguồn hiến.
Cụ thể, mỗi năm có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tỷ lệ 0,1 trên 1 triệu dân, thấp nhất thế giới. Con số này ở Hàn Quốc là 11 - quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng cao nhất châu Á. Còn ở Tây Ban Nha là 50 (cao nhất thế giới), ở Mỹ là 49.
Theo ông Phúc, nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, thậm chí ở Đông Nam Á đã có ngày hiến tạng quốc gia, trong đó diễn ra nhiều hoạt động vinh danh tưởng niệm người hiến mô, tạng.
"Nước ta cũng nên có một Ngày hiến tạng. Trong đó, trung tâm đề xuất ngày 1/7 là ngày Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (ngày 1/7/2007)", TS Phúc nói, thêm rằng có thể lấy tên người hiến tạng đặt tên đường, nhằm tôn vinh và tuyên truyền để tăng nguồn hiến tạng.
Các bác sĩ cúi đầu tri ân bệnh nhân trước khi lấy tạng. Ảnh: Bệnh viện 108
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam, cũng nhìn nhận công nghệ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới, nhưng tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới. Tỷ lệ người hiến tạng sau chết não cũng thấp nhất.
"Chúng ta làm tốt công nghệ nhưng nguồn tạng hiến sau chết não trên cộng đồng và vận động tại các bệnh viện rất thấp", bà Tiến nói.
Theo các chuyên gia, việc hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn rất hạn chế bởi mọi người có quan niệm "chết toàn thây". Hiện, 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, ngược hẳn xu hướng khi đa phần ca ghép tạng ở các nước là từ nhóm trên.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã ra đời năm 2006 nhưng tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu, đề xuất thay đổi. Đơn cử, theo quy định, bắt buộc phải có đăng ký hiến tạng sau chết, chết não thì khi hiến mới đảm bảo tính pháp lý.
"Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công dân đã đăng ký hiến tạng nhưng người nhà không đồng ý, lúc đó thầy thuốc không được phép lấy tạng. Như vậy, quy định phải đăng ký hiến tạng không có giá trị nhiều mà vô hình trung lại có cản trở với công tác hiến", ông Hùng nói, thêm rằng tham mưu với lãnh đạo Bộ Y tế và cơ quan lập pháp để điều chỉnh quy định phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến trao quyết định thành lập chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cho các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Ngọc Nga
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế.
Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép, song chỉ gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não, chết tim (tương đương gần 500 ca). Cả nước có 25 trung tâm ghép tạng, 25% số ca ghép tạng ở Việt Nam được thực hiện ở Bệnh viện Việt Đức.
Lê Nga