Năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất kế hoạch 8020, với mục tiêu cốt lõi là người cao tuổi trên 80 tuổi giữ được ít nhất 20 chiếc răng hoạt động bình thường.
Vấn đề răng miệng ở người cao tuổi có những đặc điểm riêng, chẳng hạn như tụt nướu, giảm tiết nước bọt, thức ăn nhét kẽ răng và các bệnh lý toàn thân. Do đó, việc chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi cần tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị sâu răng, viêm nha chu, chải răng đúng cách và chú ý đến các bệnh lý toàn thân. Chỉ cần nắm vững phương pháp chăm sóc răng miệng khoa học, chúng ta hoàn toàn có thể giữ gìn hàm răng khỏe mạnh đến già, giữ được 20 chiếc răng khỏe mạnh ở tuổi 80.

Dựa trên các đặc điểm lão hóa răng miệng, mắc nhiều bệnh mãn tính và giảm tiết nước bọt ở người cao tuổi, bác sĩ Trương Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật, chuyên gia về răng hàm mặt, chuyên khoa tủy răng, đã chia sẻ các chiến lược 3 bước bảo vệ răng miệng toàn diện ngay từ khi còn trẻ như sau.
Vệ sinh răng miệng hàng ngày: Nền tảng của việc bảo vệ răng
Mảng bám là nguyên nhân chính gây ra sâu răng, viêm nha chu và các vấn đề khác. Vì vậy, việc vệ sinh răng miệng hàng ngày là vô cùng quan trọng.
Có "ba bảo bối" bảo vệ răng là bàn chải đánh răng, chỉ nha khoa và bàn chải kẽ răng. Việc chăm sóc răng miệng cũng được khuyến khích thực hiện theo "ba bước" là: Chải, làm sạch kẽ răng và xịt.
Bước 1: Chải sạch mọi mặt của răng bằng bàn chải đánh răng theo phương pháp Bass. Bước 2: Làm sạch từng kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng. Bước 3: Xịt rửa từng kẽ răng, răng và niêm mạc miệng bằng máy tăm nước.

Chải răng cần phải đúng phương pháp, "làm sạch mọi mặt". Một chiếc răng có năm mặt: Mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong và hai mặt bên. Bàn chải đánh răng chỉ có thể làm sạch ba mặt trước, hai mặt còn lại cần được làm sạch bằng chỉ nha khoa và bàn chải kẽ răng.
Bạn có thể chọn bàn chải đánh răng truyền thống hoặc bàn chải điện. Nên chọn bàn chải lông mềm, đầu nhỏ để giảm thiểu tổn thương cho nướu và mòn răng. Đầu bàn chải điện cũng tương tự.

Can thiệp sớm các vấn đề răng miệng
Khám răng miệng
Khám răng miệng định kỳ 3-6 tháng/lần. Tập trung sàng lọc sâu răng chân răng, độ sâu túi nha chu, độ lung lay của răng, chân răng còn sót lại và tình trạng niêm mạc miệng. Điều trị kịp thời sâu răng, viêm nha chu. Nhổ bỏ chân răng còn sót lại để tránh kích thích niêm mạc miệng.
Can thiệp chuyên môn
Cạo vôi răng trên nướu 6-12 tháng/lần (tức là lấy cao răng), nếu cần thiết thì cạo vôi răng dưới nướu. Điều trị và duy trì bệnh nha chu định kỳ.
Phục hình răng bị mất kịp thời để tránh răng bên cạnh nghiêng, răng đối diện mọc dài ra, duy trì sự cân bằng khớp cắn.
Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn uống và dinh dưỡng để củng cố răng, bảo vệ nha chu
- Nên ăn chế độ ăn ít đường, ít axit, nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D (sữa, cá) để giúp răng và xương hàm chắc khỏe.
- Bỏ sung vitamin C (từ cam, quýt, kiwi, bông cải xanh) để thúc đẩy tổng hợp collagen ở nướu, ngăn ngừa chảy máu chân răng.
- Bổ sung axit béo giàu omega-3 (từ cá biển sâu, các loại hạt, hạt lanh) để kháng viêm, làm chậm sự tiến triển của bệnh nha chu.
- Ăn thực phẩm chống oxy hóa (trà xanh, việt quất) để giảm tổn thương của gốc tự do đối với mô nha chu.

- Giảm tình trạng khô miệng: Uống nhiều nước, massage miệng và nướu (dùng ngón tay massage nướu bên ngoài hoặc bên trong miệng, massage bên trong miệng phải vệ sinh tay sạch sẽ) để kích thích tiết nước bọt, tăng cường sức khỏe nha chu.
Sức khỏe răng miệng có liên quan mật thiết với sức khỏe toàn thân
Kiểm soát bệnh mãn tính
Bệnh nhân mắc bệnh răng miệng ở người cao tuổi thường đồng thời mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường. Viêm nha chu làm tăng tình trạng kháng insulin, khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn.
Ngược lại, lượng đường trong máu cao cũng làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nha chu, dẫn đến răng lung lay và mất răng, ảnh hưởng đến khả năng nhai, từ đó dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sự tự tin trong giao tiếp xã hội. Điều này sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần chú ý hơn đến sức khỏe nha chu và kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Cai thuốc lá, hạn chế rượu bia
Hút thuốc lá làm tăng tốc độ tụt nướu và tiêu xương ổ răng, ảnh hưởng đến sức khỏe nha chu. Cả rượu và thuốc lá đều kích thích niêm mạc miệng. Cai thuốc lá, hạn chế rượu bia rất quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng.
Hạn chế ảnh hưởng của thuốc
Một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống động kinh, thuốc ức chế miễn dịch... có thể gây tăng sinh nướu. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc này, cần có sự đánh giá và điều chỉnh của bác sĩ. Sử dụng thuốc chống đông máu (như warfarin) trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu chân răng.
Những quan niệm sai lầm về sức khỏe răng miệng
Sai lầm 1: Rụng răng khi về già là bình thường
Thực tế không phải vậy. Chỉ cần tích cực phòng ngừa và điều trị, chúng ta có thể giảm thiểu tình trạng mất răng.
Sai lầm 2: Súc miệng có thể thay thế chải răng
Sai. Súc miệng không thể loại bỏ mảng bám. Không nên lạm dụng nước súc miệng trong thời gian dài. Chải răng và làm sạch kẽ răng là "bài tập bắt buộc" hàng ngày.
Sai lầm 3: Chảy máu chân răng là do nóng trong
Không hẳn. Chảy máu chân răng là dấu hiệu của viêm nướu. Cần đến khám tại khoa răng hàm mặt để được điều trị chuyên khoa.
Sai lầm 4: Răng giả không cần chăm sóc
Sai. Răng giả không được vệ sinh đúng cách cũng có thể gây nhiễm nấm (như viêm miệng do răng giả). Răng implant cũng cần chú ý vệ sinh kẽ răng, nếu không dễ gây viêm quanh implant.
Sai lầm 5: Chỉ khi nào đau răng mới đi khám
Không nên như vậy. Phải khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.

Tóm lại, việc vệ sinh răng miệng hàng ngày (ba bảo bối), can thiệp chuyên môn (khám định kỳ, điều trị nha chu) và quản lý toàn thân (kiểm soát đường huyết, cai thuốc lá, dinh dưỡng) là "bộ ba" then chốt trong bảo vệ sức khỏe răng miệng mà bất kỳ ai cũng cần làm ngay từ khi còn trẻ. Với người cao tuổi, nếu làm tốt 3 điều này sẽ có thể nâng cao đáng kể sức khỏe răng miệng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tuổi già.