Khi được đưa đến Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân vẫn tỉnh, mạch và huyết áp tạm thời ổn định, song dị vật vẫn còn cắm trong cơ thể và đập theo từng nhịp tim, đe dọa tính mạng bất kỳ lúc nào. Hình ảnh chụp X-quang và CT cho thấy dị vật xuyên qua mặt sau vai trái, xuyên qua mô thùy trên phổi trái, đâm vào thành bên thất trái của tim gây tràn máu màng tim - một tổn thương cực kỳ nghiêm trọng.
Ngày 29/4, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, khoa Ngoại Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu tối khẩn. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận khoang màng tim có khoảng 150 g máu cục do dị vật gây vết thương ở thành bên thất trái. Khi mở màng phổi kiểm tra, êkíp phát hiện dị vật xuyên qua nhu mô phổi trái gây tràn máu khoang màng phổi. Tổng lượng máu mất của bệnh nhân ước tính khoảng 500-600 ml, con số nguy hiểm cho một cơ thể trẻ tuổi.

Bệnh nhân nhập viện với chiếc đinh ba đâm xuyên người. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Các bác sĩ khâu cầm máu vết thương tim và vết thương phổi. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do vết thương nằm sâu, thấp trong thành bên tim trái, buộc phải thay đổi vị trí tim trong lúc phẫu thuật. Điều này khiến huyết áp và mạch của bệnh nhân biến động liên tục. Ca phẫu thuật yêu cầu sự phối hợp cực kỳ nhịp nhàng, chính xác và cẩn trọng từ toàn bộ êkíp.
May mắn, ca mổ thành công. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, được rút nội khí quản, theo dõi tại khoa Ngoại Tim mạch và lồng ngực.
Bệnh nhân duy trì huyết áp ổn định, không cần dùng thuốc trợ tim hay vận mạch - những dấu hiệu khả quan đầu tiên sau một trận chiến sinh tử. Bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc tích cực, điều trị kháng sinh dự phòng nhiễm trùng và tập vật lý trị liệu sớm để phục hồi chức năng hô hấp.
Bác sĩ Đàn cho biết chấn thương tim do vật nhọn tại Việt Nam không phải hiếm, tuy nhiên trường hợp bị dị vật tự chế xuyên qua vai, phổi và tim như bệnh nhân này rất nguy hiểm. Việc phát hiện và xử lý kịp thời đã góp phần cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
Lê Nga