Ngày 18/12, TS Trần Thị Oanh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất ý thức nhanh chóng, tím toàn thân. Các bác sĩ sốc điện, cấp cứu, giúp bệnh nhân có mạch trở lại sau khoảng 5 phút rồi tiếp tục hỗ trợ thở máy, dùng thuốc vận mạch duy trì huyết áp, kiểm soát nhịp tim. Sau đó bệnh nhân tiếp tục rơi vào trạng thái mất ý thức, phải sốc điện và ép tim liên tục, đòi hỏi phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO).
Sau 90 phút chạy ECMO, bác sĩ chụp mạch vành can thiệp lấy huyết khối, đặt hai stent vào động mạch vành phải. Tuy nhiên, chức năng tim chưa hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân vẫn rối loạn nhịp tim, suy đa tạng, được truyền 24 đơn vị máu và chế phẩm máu.
72 giờ sau, chức năng tim dần hồi phục, bệnh nhân cai máy thở và tỉnh táo hơn. Ông làm nghề lái xe, hút thuốc lá nhiều năm, không có tiền sử bệnh nền.
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, chơi hay làm việc. Bệnh nhân có xu hướng ngày càng trẻ. Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ, tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ, dưới 45 tuổi, tăng dần theo thời gian, hiện chiếm 6-10% trường hợp.
Biểu hiện nhồi máu cơ tim ở người trẻ và người lớn tuổi tương đối giống nhau. Triệu chứng điển hình là đau nặng ngực, đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20-30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh.
Để giảm nguy cơ, cần ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện, hạn chế bia rượu và các chất kích thích. Người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Thùy An