Số liệu mới nhất từ Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản công bố hôm 31/1 cho thấy lượng bệnh nhân mắc cúm mùa tại nước này trung bình một tuần đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1999, trong đó xuất hiện những biến chứng lo ngại liên quan não và phổi.

Ước tính từ ngày 2/9/2024 đến ngày 26/1, quốc gia ghi nhận khoảng 9,5 triệu ca cúm. Các bệnh viện quá tải, nguồn cung cấp y tế khan hiếm và số ca tử vong gia tăng. Cái chết của nữ diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên do biến chứng cúm ở tuổi 48 càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của virus.

Trước đó, trong tuần cuối tháng 12/2024, nước này ghi nhận hơn 317.000 ca cúm mới, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. 43 trên 47 tỉnh ghi nhận số ca nhiễm vượt mức báo động, trung bình 64 bệnh nhân trên mỗi cơ sở y tế. Một số khu vực như Oita có tới 104 ca trên mỗi cơ sở y tế.

Tiến sĩ Matsuyama Masaharu, Chủ tịch Hội Y tế tỉnh Okayama, nhận định các bệnh viện đang đứng trước "một cuộc khủng hoảng" khi khó lòng tiếp nhận tất cả bệnh nhân cúm. Các công ty dược phẩm lớn đã thông báo tạm dừng vận chuyển thuốc kháng virus Oseltamivir, chiếm khoảng 25% tổng nguồn cung của Nhật Bản để chống lại bệnh cúm.

"Chúng tôi hiện không thể theo kịp sản xuất và đang gặp khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm", đại diện một công ty nói.

1ba66101d29f4422aae331b31ebff2-7028-3346-1738655080.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lH8pi19lA7qybISSirIQLg

Người dân thành phố Fukuoka, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, ngày 9/1. Ảnh: VCG

Khi hệ thống y tế công căng thẳng trước sự tấn công của virus, nhiều báo cáo đáng lo ngại tiếp tục xuất hiện. Ít nhất 7 trẻ em trên khắp Tokyo và Shizuoka đã tử vong vì biến chứng của bệnh não do cúm. Đây là chứng viêm não hiếm gặp nhưng hậu quả nghiêm trọng, có thể gây rối loạn ý thức và co giật dẫn đến chết người. Một phụ huynh ở Shizuoka bất lực chứng kiến tình trạng con mình xấu đi nhanh chóng, từ các triệu chứng ban đầu đến tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.

"Sự gia tăng đột biến các ca cúm, cùng với cái chết thương tâm của Từ Hy Viên ở độ tuổi trẻ như vậy, đi ngược lại tất cả lầm tưởng trước đây, rằng cúm chỉ là một căn bệnh nhẹ", tiến sĩ Leung Chi-chiu, chuyên gia bệnh hô hấp tại Hong Kong, cảnh báo. Bà thêm rằng Từ Hy Viên trước đó mắc căn bệnh gây suy giảm miễn dịch, khiến cúm trở nặng nhanh hơn. Nhưng trên khắp Nhật Bản, nhiều người lớn và trẻ em cũng đang tử vong.

Sau hai năm cúm lây truyền chậm lại do các biện pháp ngăn chặn Covid-19 nghiêm ngặt, các chuyên gia nhận định sức đề kháng của người Nhật với các virus mới nổi đã suy giảm. Giới y tế đưa ra giả thuyết, việc thiếu khả năng miễn dịch đã tạo ra "lỗ hổng hoàn hảo" cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Khi việc du lịch quốc tế trở lại bình thường, khuyến cáo đeo khẩu trang được nới lỏng, các điều kiện thuận lợi cho phép cúm bùng phát trở lại đáng sợ.

"Các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong nhiều tháng, nhưng bệnh cúm bị đánh giá thấp. Chúng ta không thể tự mãn nữa. Nhật Bản có thể là phát súng mở màn cho dịch bệnh trên toàn thế giới, khởi nguồn từ các chủng virus đơn giản, song có khả năng đột biến", tiến sĩ Leung lo ngại. Chuyên gia Hong Kong cảnh báo, người dân nên bỏ qua những cám dỗ mua sắm, ẩm thực và du lịch giá rẻ của Nhật Bản.

Các quốc gia như Pháp và Anh cũng đang chật vật đối phó với số ca cúm gia tăng. Giới chức đã tăng cường, đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng và phòng ngừa, vốn bị đình trệ trong một thời gian. Chuyên gia kêu gọi giám sát chặt chẽ, chia sẻ dữ liệu minh bạch giữa các quốc gia, đầu tư liên tục vào y tế công cộng.

Bệnh do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).

Thông thường, cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng, gây tử vong ở nhóm nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền.

Thục Linh (Theo Japan Times, Dimsum Daily)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022