Người phụ nữ này bị sốt bại liệt hồi 4 tuổi nên yếu chân trái, không có điều kiện chữa trị nên ngày càng nặng. Năm 15 tuổi, cột sống chị cong vẹo tăng dần, đau nhức, dẫn đến thoái hóa cột sống nghiêm trọng. Các cơn đau ảnh hưởng những cơ quan khác, chị không thể chạy xe, đi lại hay cầm nắm gặp nhiều trở ngại. Cột sống chèn ép một bên phổi khiến chị khó thở, khó thay đổi tư thế nằm nên mất ngủ thường xuyên.
Những năm qua, chị đến một số bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cột sống biến dạng nặng, không thể phẫu thuật, chỉ dùng thuốc giảm đau. Do đau dạ dày, dị ứng thuốc, chị phải dừng điều trị nội khoa.
Phim chụp cột sống của bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Ngày 8/6, bác sĩ Paul D’Alfonso, Giám đốc Trung tâm trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare, cho biết tình trạng cong vẹo thời gian dài đã tác động một lực lớn gây tổn thương lên các đốt sống lưng, gây thoái hóa cột sống lưng. Chị Luyến được dùng liệu pháp điều trị nắn chỉnh cột sống chiropractic chuyên biệt kết hợp các bài tập phục hồi cong vẹo. Cách này giúp giảm đi sự mất cân bằng của các đốt sống, giảm sự chèn ép lên các dây thần kinh, giảm các triệu chứng đau, khó thở.
Bác sĩ hướng dẫn các bài tập ở nhiều tư thế từ ngồi, đi lại, nằm sao cho đúng kỹ thuật nhất nhằm hạn chế tác động lên phần cột sống. Sau 3 tháng tập luyện, chị đỡ đau hơn, có thể đi lại được, bớt khó thở, ngủ ngon hơn.
"Đây là một ca điều trị vô cùng khó khăn. Độ cong vẹo cột sống nằm ở mức 130-140 độ, khoảng độ không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn", bác sĩ nói, thêm rằng việc trị liệu chỉ có thể khắc phục các triệu chứng đau nhức mỏi, làm chậm quá trình cong vẹo.
Chị Luyến thực hiện các bài tập. Ảnh: Bảo Trân
Cong vẹo cột sống là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nếu chủ quan không điều trị, bệnh sẽ tiến triển theo thời gian, dẫn đến biến dạng cột sống, tàn tật suốt đời, tâm lý mặc cảm, tự ti, trầm cảm. Bệnh làm suy giảm thể chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác, có thể bị suy hô hấp, liệt, tử vong.
Khi độ cong còn nhẹ, bệnh nhân có thể mang nẹp, phục hồi chức năng. Nếu vẹo cột sống quá nặng, các phương pháp bảo tồn gần như không còn tác dụng, đòi hỏi phải phẫu thuật với nhiều rủi ro. Bệnh nặng, đã biến dạng các đốt sống thì không thể hoàn trả lại hình dạng ban đầu.
Có thể tự kiểm tra tình trạng cột sống theo các dấu hiệu như đau lưng kéo dài, đau thắt lưng đặc biệt ở vùng lưng dưới. Các cơn đau có thể lan xuống chân khiến cơ thể gặp khó khăn khi di chuyển. Những cơn đau có thể khiến người bệnh tê mỏi, có cảm giác châm chích khó chịu. Hai bên vai không đều nhau, với một bên vai cao hơn, một bên vai thấp hơn. Người bị gù, người ngả về phía trước nhiều. Gai đốt sống không thẳng hàng. Khoảng cách giữa 2 bên cánh tay đến hông khác nhau.
Để phòng ngừa vẹo cột sống, bác sĩ khuyên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng sự dẻo dai, bền bỉ. Trẻ nhỏ, trẻ trong độ tuổi dậy thì cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống phù hợp chứa protein, chất khoáng, vitamin D, canxi.
Trẻ trong độ tuổi đến trường cần sử dụng bàn ghế ngồi học phù hợp với chiều cao của cơ thể. Luôn điều chỉnh tư thế phù hợp khi học bài. Sử dụng các loại cặp có hai quai để đeo đều hai bên vai khi đi học, tránh tình trạng sử dụng cặp một quai dễ khiến cột sống bị sai lệch vị trí.
Thăm khám định kỳ cơ xương khớp, cột sống thắt lưng. Khi gặp các dấu hiệu cong vẹo cột sống, cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc.
Lê Phương