Ngày 7/6, TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Y khoa kiêm Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện CIH, cho biết sản phụ bị nhau cài răng lược ở thể Percreta, là thể trầm trọng nhất, bánh nhau xâm lấn gần như hết cơ tử cung.
Bệnh nhân bị mạch máu tiền đạo, nếu ối vỡ, mạch máu này vỡ gây chảy máu không thể cầm được. Do đó, các bác sĩ gây mê, mổ sinh khẩn cấp và xử lý nhau cài răng lược để cứu hai mẹ con kịp thời. Lượng máu mất trong cuộc mổ không đáng kể.
Em bé chào đời non tháng cân nặng 1,75 kg, được chuyển đến bệnh viện nhi. Sản phụ xuất viện sau mổ 5 ngày, đến viện nhi tiếp tục quá trình ấp con bằng phương pháp kangaroo (da kề da).
Sản phụ hồi phục tốt sau sinh mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
BS.CK2 Phạm Minh Khôi Nguyên, thành viên kíp điều trị, cho biết hiện nay tỷ lệ nhau cài răng lược ở sản phụ ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với việc sinh mổ tăng. Sản phụ này đã mổ sinh 2 lần trước đó, có nhau tiền đạo. Tỷ lệ mắc nhau cài răng lược với trường hợp đã sinh mổ 2 lần là 35%.
Sản phụ từng nhập viện cấp cứu lúc thai 24 tuần do xuất huyết ồ ạt, cơ hội sống của em bé rất thấp. Các bác sĩ nỗ lực dưỡng thai, cầm máu, giảm gò, cố gắng kéo dài thai kỳ, tăng khả năng sống của em bé.
Nhau cài răng lược là tình trạng các rễ của bánh nhau cắm sâu vào cơ tử cung, khiến sản phụ có nguy cơ chảy máu nhiều, khó cầm khi sinh. Trước đây, sản phụ có nhau cài răng lược thường có nguy cơ cắt bỏ tử cung rất cao. Ngày nay, với sự phát triển của y học, sản phụ thường được bảo tồn tử cung, chỉ trừ một số trường hợp nhau cài răng lược đi xuyên vào bàng quang thì khả năng giữ tử cung khó.
"Trường hợp này, sản phụ bảo tồn được tử cung", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đến các cơ sở y tế, phòng khám sản khoa uy tín để khám và chẩn đoán sức khỏe thai kỳ. Bên cạnh theo dõi sự phát triển thai nhi, bác sĩ sẽ xem vị trí nhau bám bình thường hay bất thường. Người được chẩn đoán nhau cài răng lược nên tuân thủ lịch khám thai để bác sĩ có kế hoạch và chuẩn bị những phương pháp điều trị tốt nhất.
Lê Phương