PGS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, cho biết một phần 330ml đồ uống có đường có ga thường chứa khoảng 35 g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

"Sử dụng đồ uống ngọt không hợp lý được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì", PGS Mai nói, dẫn nghiên cứu uống một lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân, béo phì.

Lý do, những đồ uống này ở dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng. Khi ấy, cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng.

Ngoài ra, vị ngọt kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no, nhiều carbohydrate. Vì vậy, uống nhiều đồ uống có đường thì tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.

Lạm dụng đồ uống này còn làm tăng nguy cơ và mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Một người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này. Còn nếu thay thế 355ml đồ uống có đường hàng ngày bằng đồ uống khác giảm nguy cơ đái tháo đường từ 2-10%.

Bởi, đường trong đồ uống làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây huyết áp cao và viêm nhiễm. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan.

Thậm chí, tiêu thụ nước ngọt có hàm lượng đường cao và nồng độ axit có thể góp phần gây hại cho sức khỏe răng miệng.

1-jpeg-1716365033-8783-1716378649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OW2ggLLXJ1_uSKMjdNbLLg

Nước ngọt có chứa chất tạo ngọt không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần. Trong khi đó Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 g/ngày, giới hạn đồ uống có đường không quá 235 ml/tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Theo tính toán của WHO, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.

Hiện 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị áp dụng các biện pháp kiểm soát như ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học, giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam, đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ. Mặt khác, cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.

"Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt ở trẻ em và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai", ông Lâm nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022