Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng rất phổ biến, do virus gây ra. Bệnh có thể gây sốt, ho, đau nhức cơ thể và các triệu chứng khác. Loại cúm phổ biến nhất là cúm theo mùa, có nhiều loại như type A và type B. Hầu hết mọi người mắc cúm đều tự khỏi mà không gặp bất kỳ vấn đề gì kéo dài. Tuy nhiên, một số người diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
Việt Nam đang phổ biến 4 loại vaccine phòng cúm là Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip tetra (Pháp). Trong đó, ba vaccine của nước ngoài phòng được 4 chủng cúm gồm hai chủng cúm A và hai chủng cúm B.
Bác sĩ Hạ Hồng Cường, Đơn vị Khám và điều trị theo yêu cầu - Cơ sở Hoàng Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tiêm vaccine cúm vẫn có thể bị cúm, nhưng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dự phòng bằng vaccine cúm theo mùa hàng năm là cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính như suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc tiểu đường.
Lý do tiêm vaccine hàng năm
Khả năng bảo vệ miễn dịch của một người sau khi tiêm vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, mọi người cần tiêm vaccine cúm hàng năm để có khả năng bảo vệ tối ưu.
Ngoài ra, virus cúm liên tục thay đổi, nên thành phần của vaccine cúm được xem xét và cập nhật để bảo vệ cơ thể, chống lại các loại virus mới.
Nhóm nguy cơ cần tiêm vaccine
- Người lớn >65 tuổi, trẻ em <2 tuổi; những người mắc bệnh phổi mạn tính (COPD) và xơ nang, hen suyễn.
- Người mắc các bệnh về thần kinh, rối loạn tâm thần, bệnh rối loạn máu (như bệnh hồng cầu hình liềm), rối loạn nội tiết (như bệnh tiểu đường).
- Những người mắc bệnh tim (như bệnh tim bẩm sinh, suy tim xung huyết và bệnh động mạch vành), chứng rối loạn chuyển hóa (như rối loạn chuyển hóa di truyền và rối loạn ty thể), suy chức năng gan; người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 kg/m2 trở lên.
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật (HIV hoặc AIDS, hoặc một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu) hoặc do thuốc (như đang điều trị bằng hóa trị, xạ trị, hoặc những người mắc bệnh mạn tính cần dùng corticosteroid hoặc các loại thuốc khác ức chế hệ thống miễn dịch).
- Những người từng bị đột quỵ, phụ nữ mang thai...

Bác sĩ tiêm phòng cho bệnh nhi. Ảnh: Giang Huy
Thời gian tiêm
Hầu hết mọi người chỉ cần tiêm một liều vaccine cúm cho cả mùa. Trong đó, tháng 9 và tháng 10 thường là thời điểm tốt nhất để tiêm phòng.
Những người từ 65 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu tiên hoặc ba tháng tiếp theo thường không nên tiêm vaccine sớm (vào tháng 7, tháng 8) vì khả năng bảo vệ có thể giảm dần theo thời gian.
Một số trẻ em cần tiêm hai liều vaccine cúm. Nên tiêm liều đầu tiên ngay khi có vaccine, vì liều thứ hai cần tiêm ít nhất 4 tuần sau liều đầu tiên.
Những người mang thai trong ba tháng cuối của thai kỳ có thể tiêm phòng vào tháng 7 và tháng 8 để giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu sau khi sinh.
Thùy An