HPV (Human Papillomavirus) là có hơn 100 chủng khác nhau. Trong đó, khoảng 14 chủng có nguy cơ cao gây ra nhiều bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật và vùng hầu họng… Đồng thời HPV cũng có thể dẫn tới mụn cóc sinh dục và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Để phòng chống loại virus này, cả nam và nữ đều được khuyến cáo tiêm vắc xin HPV. Nhưng vắc xin HPV tối ưu cho nam hay nữ có sự khác biệt do HPV nhiều chủng, phổ biến ở mỗi giới tính khác nhau và mỗi loại vắc xin có thể chống lại các chủng HPV khác nhau.
Nữ giới cần tiêm mấy mũi vắc xin HPV mới đủ?
Các loại vắc xin HPV phổ biến cho nữ giới
Để phòng ngừa hiệu quả, các loại vắc xin HPV được nghiên cứu và phát triển dựa trên phạm vi bảo vệ các chủng HPV có nguy cơ cao nhất. Hiện nay, có 3 loại vắc xin HPV được sử dụng phổ biến, mỗi loại bao phủ số lượng chủng virus khác nhau và nữ giới đều có thể tiêm được:
- HPV 2 (bivalent vaccine)
Phòng ngừa 2 chủng nguy hiểm nhất: HPV 16 và 18 - nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.Thường chỉ định cho nữ giới, nhất là trong các chương trình tiêm chủng quốc gia.
- HPV 4 (quadrivalent vaccine)
Bao phủ 4 chủng: 6, 11, 16 và 18. Ngoài ngừa ung thư cổ tử cung, còn ngăn ngừa mụn cóc sinh dục do chủng 6 và 11. Loại này có thể dùng cho cả nam và nữ, giúp giảm lây lan HPV trong cộng đồng.
- HPV 9 (nonavalent vaccine)
Là loại vắc xin HPV bảo vệ rộng nhất, với 9 chủng HPV gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Nhờ đó, có thể phòng được khoảng 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư, mụn cóc sinh dục khác. Vắc xin này phù hợp cho cả hai giới, đặc biệt ở độ tuổi trẻ và chưa nhiễm HPV.

Vắc xin HPV 9 tiêm được cho cả nam giới và nữ giới (Ảnh minh họa)
Nữ giới nên chọn loại vắc xin HPV nào?
Tất cả các loại vắc xin HPV đều giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung - căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới nếu được tiêm đúng độ tuổi và đủ mũi. Nhưng trong điều kiện lý tưởng, HPV 9 là lựa chọn tối ưu nhờ phạm vi bảo vệ rộng hơn. Nếu chỉ có điều kiện hoặc nhu cầu tiêm HPV 2 hoặc HPV 4, hiệu quả ngừa ung thư vẫn rất cao, nhất là khi tiêm trước tuổi 15 và chưa từng nhiễm virus.
Nhìn chung, nữ giới có thể tiêm vắc xin HPV trong độ tuổi từ 9 đến 45. Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin không giống nhau ở từng giai đoạn và lý tưởng nhất là từ 9 - 15 tuổi do miễn dịch khỏe và thường chưa quan hệ tình dục cũng như nguy cơ đã nhiễm HPV thấp hơn.
Ngoài ra, các tổ chức y tế khuyến cáo nên tiêm cùng một loại vắc xin trong suốt liệu trình (2 hoặc 3 mũi tùy độ tuổi). Trong trường hợp bất khả kháng, bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm bù bằng loại khác, nhưng hiệu quả có thể không tối ưu như liệu trình ban đầu.