Ngày 14/4, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nhận định đây là trường hợp hy hữu. Bệnh nhân được đưa vào viện sau khoảng một tiếng xảy ra sự cố, trong tình trạng cổ họng nghẹn, đau tức vùng ngực, hoảng loạn.
Bệnh nhân cho biết sự cố xảy ra sau bữa tối khi chị cảm thấy nghẹn cổ họng, buồn nôn và nghi ngờ có dị vật mắc lại. Thay vì đến bệnh viện, chị cố gắng tự xử lý bằng cách dùng bàn chải đánh răng để đẩy dị vật xuống, nhưng không may lại khiến toàn bộ bàn chải trôi vào sâu trong thực quản.
Phần thực quản – bộ phận đóng vai trò dẫn thức ăn từ hầu xuống dạ dày – chỉ dài khoảng 25 cm và rộng 2,5 cm, không phù hợp để chứa các dị vật cứng hoặc dài như bàn chải đánh răng. Nhờ vào can thiệp kịp thời, êkíp nội soi đã lấy ra thành công bàn chải mà không gây tổn thương nghiêm trọng, giúp bệnh nhân được xuất viện an toàn và không gặp biến chứng.

Bàn chải 17 cm được lấy ra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bàn chải đánh răng với đặc điểm cứng, sắc nhọn và dài có khả năng gây tổn thương nặng nề đến thực quản, bao gồm trầy xước, rách hoặc thậm chí có nguy cơ thủng. Khi thực quản bị thủng, bệnh nhân có thể gặp nhiễm trùng trung thất – vùng nằm giữa hai phổi, sốc nhiễm trùng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Dị vật dài và sắc cứng nằm trong thực quản cũng có thể tạo áp lực lớn, gây đau tức vùng ngực. Điều này dễ khiến bệnh nhân lầm tưởng là triệu chứng bệnh lý tim mạch, chẳng hạn nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, dị vật còn gây khó nuốt, cản trở ăn uống, dẫn đến suy kiệt nếu không kịp thời xử lý; tiềm ẩn nguy cơ tổn thương lâu dài cho đường tiêu hóa.
Các bác sĩ khuyến cáo khi nghi ngờ nuốt phải dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý. Tuyệt đối không tự ý dùng tay, dụng cụ hay các vật thể khác để can thiệp, cũng như không cố gắng nuốt thêm thức ăn với kỳ vọng đẩy dị vật xuống dạ dày, vì hành động này chỉ làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Thúy Quỳnh