Hai tháng trước nhập viện, chàng trai đi dã ngoại, leo núi khoảng 150-200 bậc cầu thang, về thấy mỏi và phù nhẹ hai chân. Bác sĩ một bệnh viện chẩn đoán giãn tĩnh mạch sâu chi dưới, cho uống thuốc nhưng không cải thiện. Sau đó, phù tăng dần toàn thân, khó thở, có những cơn khó thở kịch phát về đêm, vào viện khi đã tụt huyết áp.

Ngày 27/4, BS.CK2 Lâm Kim Bảo, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, đã đặt nội khí quản thở máy, huyết áp tụt sâu, không có nước tiểu, chức năng các tạng xấu dần.

picture1-1745749485-1745749498-4114-7142-1745750012.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HXE9xCKLt4WiSai7kEkxuQ

Bệnh nhân trong thời gian điều trị hồi sức tích cực. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ chẩn đoán sốc kháng trị, suy tim thất phải khả năng do sốc tắc nghẽn, theo dõi thuyên tắc phổi, tổn thương thận cấp, tổn thương gan cấp, toan chuyển hóa không đáp ứng điều trị. Bệnh nhân được thở máy, vận mạch liều cao, đồng thời lọc máu liên tục cấp cứu, thay huyết tương, kháng sinh phổ rộng...

Sau hơn một tuần phối hợp nhiều biện pháp điều trị, bệnh nhân ổn định dần, được chuyển ra khỏi khu hồi sức, tiếp tục tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để lấy lại sức khỏe và thể lực. Người bệnh hết sốc, tình trạng suy tim thất phải cải thiện, chức năng gan và thận trở về bình thường.

picture3-1745749584-1745749628-3990-1745750012.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xFAUKJkfcXwYl1qUViWcvA

Chàng trai thoát cửa tử, tập đi sau hơn một tuần điều trị hồi sức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Bảo, bệnh nhân này bị sốc nhiễm khuẩn, sốc tim chưa rõ nguyên nhân, gây suy đa tạng, thoát cửa tử nhờ hồi sức khẩn trương, sử dụng hệ thống lọc máu liên tục kịp thời. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa đã giúp kiểm soát, điều trị các biến chứng phức tạp.

Sốc tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu cho phần còn lại của cơ thể, nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Nguyên nhân của sốc tim là nhồi máu cơ tim cấp, suy thất trái, suy tim do rối loạn nhịp. Sốc tim có thể bắt đầu bằng các triệu chứng như lú lẫn, thở nhanh hoặc không xuất hiện triệu chứng nào rồi đột nhiên mất ý thức.

Sốc nhiễm khuẩn vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em, dù đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Trước đây, sốc nhiễm khuẩn kháng trị, thất bại với các biện pháp điều trị nội khoa thì tử vong gần như là 100%.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022