Shigellosis là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do một họ vi khuẩn được gọi là shigella gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khoảng 450.000 người ở Hoa Kỳ báo cáo mắc bệnh shigella mỗi năm.
Trước đây, bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 4 đến 5 tuổi nhưng hiện tại bệnh có xu hướng gia tăng ở người lớn, nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới, du khách quốc tế, người nhiễm HIV và người vô gia cư.
1. Triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Shigella
Tiêu chảy ra nước thường xuyên là triệu chứng chính của bệnh shigella. Đau quặn bụng, buồn nôn và nôn cũng có thể xảy ra. Nhiều người mắc bệnh shigella cũng có máu hoặc chất nhầy trong phân và họ có thể bị sốt.
Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 1–2 ngày sau khi tiếp xúc với Shigella. Trong một số trường hợp, các triệu chứng nhiễm trùng có thể xuất hiện sau ít nhất 12 giờ sau khi tiếp xúc.
Tiêu chảy và các dấu hiệu khác của bệnh shigella thường kéo dài từ 5–7 ngày. Nhiễm trùng nhẹ kéo dài vài ngày và có thể không cần điều trị.
Một số trường hợp không có triệu chứng nhiễm Shigella nhưng trong phân của họ vẫn chứa vi khuẩn nên có thể lây nhiễm đến vài tuần.
Tiêu chảy là triệu chứng chính của bệnh shigella (Ảnh: Internet)
2. Bệnh do vi khuẩn Shigella gây ra nguy hiểm như thế nào?
Đối với những người có triệu chứng nhẹ, bệnh thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tật có thể gặp tình trạng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Một số biến chứng có thể gặp khi bị nhiễm vi khuẩn Shigella:
- CDC báo cáo rằng khoảng 2% những người nhiễm Shigella flexneri (một trong một số loại Shigella) phát triển một tình trạng gọi là viêm khớp sau nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm khớp sau nhiễm trùng bao gồm đau khớp, tiểu buốt và ngứa mắt. Tuy nhiên, biến chứng này ít khi xảy ra.
- Các biến chứng tiềm ẩn nhưng hiếm gặp khác của bệnh shigella bao gồm nhiễm trùng máu, co giật ở trẻ nhỏ và hội chứng tan máu niệu.
Tại vì sao vi khuẩn Shigella khiến các chuyên gia y tế lo ngại?
Cách đây 8 năm, các chuyên gia y tế không thấy tình trạng kháng thuốc từ loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, gần đây tình trạng kháng thuốc từ vi khuẩn Shigella đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Nhiễm trùng kháng thuốc đã được báo cáo ở 29 tiểu bang của Hoa Kỳ, với số lượng lớn nhất ở California, Colorado và Massachusetts.
Tình trạng kháng thuốc từ vi khuẩn Shigella đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng (Ảnh: Internet)
3. Cách điều trị bệnh lý do vi khuẩn Shigella
Triệu chứng bệnh do vi khuẩn Shigella gây ra chủ yếu là tiêu chảy nên điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị là chống lại tình trạng mất nước. Khi này người bệnh cần phải bổ sung nhiều nước, bao gồm nước khoáng, điện giải.
Thông thường không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào để giảm tiêu chảy, vì điều này sẽ giữ vi khuẩn trong cơ thể bạn lâu hơn và có thể làm cho nhiễm trùng nặng hơn.
Đối với những trường hợp bị nhiễm bệnh vừa và nặng, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị thường sẽ bao gồm thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiêu hóa của bạn. Các loại thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định theo các chủng vi khuẩn gây bệnh.
4. Khi nào cần đến bác sĩ?
Khi người bệnh nhiễm vi khuẩn Shigella xuất hiện triệu chứng sau nên đến bệnh viện để nhận được sự chăm sóc y tế:
- Tiêu chảy rau máu và kéo dài, không thuyên giảm
- Đau bụng dữ dội
- Sốt
- Mất nước nghiêm trọng
- Những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tật như bị HIV hoặc ung thư, nên đến bệnh viện điều trị để phòng ngừa các biến chứng xảy ra.
Người bệnh nên đến bệnh viện khi tiêu chảy ra máu và kéo dài, sốt, đau bụng quằn quại, ... (Ảnh: Interet)
5. Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm khuẩn Shigella
Người lành có thể bị bệnh khi nhiễm vi khuẩn Shigella trên tay thông qua các hoạt động như thay tã cho trẻ ốm hoặc chăm sóc người ốm, chạm vào các bề mặt bị nhiễm vi trùng từ phân của người bệnh. Sau đó chạm tay vào thức ăn hoặc miệng khi chưa rửa tay với xà phòng.
Vì vậy, để phòng ngừa vi khuẩn Shigella gây bệnh, mọi người nên vệ sinh cá nhân tốt, chẳng hạn:
- Rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã
- Bỏ tã bẩn vào túi kín hoặc thùng rác để ngăn vi khuẩn lây lan
- Sử dụng xà phòng và nước ấm mỗi khi bạn rửa tay
- Lau sạch bàn thay đồ và quầy bếp bằng khăn lau kháng khuẩn trước và sau khi sử dụng.
- Tránh tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh shigella ít nhất vài ngày sau khi họ hết tiêu chảy. Những người mắc bệnh shigella không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác cho đến khi họ cảm thấy khỏe hơn và hết tiêu chảy.
Nguồn: Healthline.com