Theo WHO, khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue (viết tắt trong bài là sốt xuất huyết), ước tính 100-400 triệu ca mỗi năm. Bệnh lưu hành, diễn biến phức tạp ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ hay châu Phi, trong đó, châu Á gánh khoảng 70% tổng số ca.

Sốc sốt xuất huyết là biến chứng nghiêm trọng, thường xảy ra cuối giai đoạn sốt cao, WHO cho hay. Khi đó dù hết sốt, bệnh nhân lại có nguy cơ sốc do tổn thương mạch máu, thoát dịch, dẫn đến rối loạn tuần hoàn. Biểu hiện điển hình gồm tụt huyết áp, mạch yếu, chân tay lạnh, hôn mê. Không điều trị kịp thời có thể gây suy đa tạng, thậm chí tử vong, nhất là ở nhóm có bệnh nền, trẻ nhỏ, người lớn tuổi hay phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, bệnh có thể gây xuất huyết nội tạng ở hệ tiêu hóa, phổi, não, dấu hiệu cụ thể là ói ra máu, phân đen, chảy máu chân răng hoặc bầm tím dưới da. Trường hợp nặng, xuất huyết não có thể gây co giật, rối loạn ý thức, để lại di chứng thần kinh kéo dài. Một số người còn bị tràn dịch màng phổi, suy hô hấp cấp, ảnh hưởng chức năng phổi.

mosquito-1332382-1920-17431710-9028-5985-1743171328.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CpkD-iu4bUif077EUSad8w

Muỗi vằn - trung gian truyền sốt xuất huyết Dengue. Ảnh: Pixabay

Theo NCBI, bệnh còn có thể làm tăng men gan, viêm gan cấp, vàng da, rối loạn đông máu, thậm chí suy gan nếu tổn thương nặng. Nhiều người bệnh đối diện suy thận cấp do mất dịch kéo dài, sốc tuần hoàn, suy giảm chức năng thận và có nguy cơ suy thận mạn tính.

Ngay cả khi đã bình phục, nhiều trường hợp đối mặt di chứng kéo dài, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng sống. NCBI cũng chỉ ra suy nhược cơ thể khá phổ biến, khiến người bệnh mệt mỏi, uể oải, đau cơ, mất tập trung và khó phục hồi thể trạng.

Một số trường hợp bị rối loạn đông máu kéo dài, dễ bầm tím, chảy máu cam hoặc xuất huyết dù không có chấn thương. Không ít ca bị đau đầu mạn tính, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, nhất là ở người từng bị biến chứng thần kinh.

Người bị tổn thương gan, thận trong giai đoạn bệnh cấp tính có nguy cơ phát triển bệnh lý mạn tính về sau, theo WHO.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, do đó phát hiện sớm và kịp thời điều trị góp phần giúp hạn chế biến chứng. Khi vượt qua giai đoạn nguy hiểm, người bệnh vẫn cần theo dõi sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng để phục hồi, ngừa tái nhiễm.

Mỗi người có thể tự bảo vệ bản thân và cộng đồng trước nguy cơ sốt xuất huyết và biến chứng khó lường. Chuyên gia khuyến cáo nên chòng, chống bệnh chủ động bằng cách kiểm soát vector (trung gian truyền bệnh), tránh muỗi đốt, tiêm phòng.

Độc giả có thể thực hiện khảo sát sau để xác định bản thân hoặc người thân có đang thuộc nhóm nguy cơ mắc sốt xuất huyết hay không.

Đông Vệ

Độc giả tìm hiểu thêm thông tin tại sotxuathuyet.vn. Nội dung do VnExpress phối hợp Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam sản xuất, Hội Y học Dự phòng Việt Nam phê duyệt chuyên môn, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022