Trong buổi phỏng vấn với Independent ngày 29/8, nữ ca sĩ Adele chia sẻ cởi mở về vấn đề sức khỏe gặp phải trong chuyến lưu diễn. Ở buổi hòa nhạc tại Nhà hát Colosseum, Caesars Palace, cô đã đổ gục trước khi lên sân khấu và không thể di chuyển một lúc do cơn đau thần kinh tọa ập đến. Đây là tình trạng xảy ra khi dây thần kinh bị nén hoặc kích thích. Người bệnh có cảm giác đau dữ dội, lan từ lưng dưới xuống tận chân.
"Đội bảo vệ phải nhấc toàn bộ cơ thể tôi lên khỏi sàn. Tôi phải ngồi xuống và nghỉ ngơi vì cơn đau thần kinh tọa", Adele kể.
Đây không phải là lần đầu tiên giọng ca Easy on Me thẳng thắn nói về sức khỏe của mình. Trong buổi biểu diễn vào đêm giao thừa tháng 12 năm ngoái, Adele cho biết đã phải chật vật bước qua sân khấu khi căn bệnh cũ tấn công.
"Có những ngày, tôi đi không vững vì cơn đau thần kinh tọa quá nghiêm trọng", cô nói.
Đau thần kinh tọa là gì?
Theo My Health Alberta, đau thần kinh tọa là cảm giác đau, ngứa ran hoặc tê do dây thần kinh rễ bị kích thích, ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa. Về cấu trúc, dây thần kinh tọa hình thành do các rễ thần kinh, đi từ tủy sống vào vùng lưng dưới, tỏa ra ở mông sau đó phân nhánh xuống mặt sau của chân, đến mắt cá và bàn chân.
Hai dây thần kinh tọa dài nhất trong hệ thần kinh của con người. Mỗi dây nằm ở một bên của phần dưới cơ thể. Dù vậy, người bị bệnh thần kinh tọa thường chỉ cảm thấy đau một bên.
Adele trong buổi biểu diễn tại Las Vegas. Ảnh: Gareth Cattermole
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa là đĩa đệm bị phồng hoặc vỡ, còn gọi là thoát vị đĩa đệm.
Adele từng chia sẻ đĩa đệm ở cột sống L5 của cô bị hỏng. Điều này khiến nữ ca sĩ thường xuyên bị đau đầu gối. Theo Cleveland Clinic, dây thần kinh cột sống L5 giúp tạo ra cảm giác cho mặt ngoài của cẳng chân, mu bàn chân, khoảng trống giữa ngón chân cái và ngón chân thứ hai. Nó cũng kiểm soát chuyển động của hông, đầu gối, bàn chân và ngón chân.
Bên cạnh thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa cũng do tình trạng hẹp cột sống, gai xương, bệnh thoái hóa đĩa đệm, tổn thương, khối u, thai kỳ.
Điều kiện làm việc và thói quen sinh hoạt làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa. Thừa cân, thiếu cơ, nghiện thuốc lá, lối sống ít vận động và bệnh nền tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các công việc đòi hỏi phải nâng vật nặng, yêu cầu ngồi trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về lưng dưới, cũng làm tăng tỷ lệ đau thần kinh tọa.
Triệu chứng
Biểu hiện chính của bệnh thần kinh tọa là đau lan xuống mông, xuống phía sau chân và đùi. Người bệnh có thể cảm thấy nóng rát, nhói hoặc âm ỉ, đau không ngừng hoặc ngắt quãng. Một số bệnh nhân bị tê, yếu dưới hông, mông, chân hoặc bàn chân. Số khác có cảm giác châm chích, đau nghiêm trọng khi cử động.
Điều trị và phòng ngừa
Ở nhiều trường hợp, các triệu chứng biến mất theo thời gian. Để điều trị, các bác sĩ tập trung vào giảm đau, tăng khả năng vận động. Bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc, làm vật lý trị liệu, thực hiện liệu pháp xoa bóp hay giãn cơ.
Để ngăn ngừa bệnh đau thần kinh tọa, bạn nên tránh nằm sấp khi ngủ, hạn chế ngồi, tăng thời gian đứng, sử dụng loại ghế có tựa lưng chắc chắn, đảm bảo bàn chân luôn đặt xuống mặt sàn.
Thục Linh (Theo Telegraph)