Bánh nhau là một cấu trúc phát triển trong tử cung khi mang thai, góp phần chuyên chở oxy, chất dinh dưỡng đến thai nhi. Ngày 29/8, BS.CK2 Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết khi phát hiện, khối bướu tại bánh nhau có kích thước 59x75 mm.
Khai thai 26 tuần tuổi, kích thước bướu to bằng cái chén, gây biến chứng nặng nề, làm phù thai, tràn dịch màng bụng, thai nhi thiếu máu nặng. Nếu không can thiệp, khối bướu sẽ khiến bào thai không đủ máu phát triển, khiến sản phụ dễ chuyển dạ sinh non và nguy cơ tử vong cao. Do đó, sản phụ được chỉ định can thiệp tắc mạch máu nuôi bướu. Thủ thuật này được thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, phối hợp cùng ekip Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào lúc thai 26,5 tuần. Sau đó thai nhi được truyền máu.
Bé gái được da kề da với mẹ sau khi chào đời, sáng 29/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sáng 29/8, khi thai được 37,5 tuần, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã mổ bắt con cho sản phụ, đón bé gái nặng 2,9 kg chào đời khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Hương, đây là ca đầu tiên tại Việt Nam tắc mạch máu bánh nhau thành công. Trước đây, với những trường hợp tương tự, bác sĩ sẽ điều trị hỗ trợ theo biến chứng như truyền máu khi em bé thiếu máu, sử dụng thuốc trợ tim khi bị phù tim..., chưa điều trị trúng đích bằng cách tắc mạch máu nuôi bướu bánh nhau.
Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ thực hiện mổ lấy thai, sáng 29/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết tỷ lệ mắc bệnh lý bướu máu bánh nhau lớn (hơn 4,5 cm) là hiếm gặp, khoảng 1/3.500- 1/9.000. Nếu u mạch máu nhỏ, có thể không gây triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, khi khối bướu bánh nhau lớn (4-5 cm) có thể gây phù thai; thiếu máu thai; sinh non; suy tim thai; thai chậm tăng trưởng; chết lưu; ảnh hưởng cả tính mạng người mẹ.
Tắc mạch máu bánh nhau là một kỹ thuật can thiệp nội mạch hiện đại, khiến máu không còn nuôi nên bướu bánh nhau xẹp dần, cứu được cả em bé lẫn sản phụ.
Mỹ Ý