Bệnh nhân Lisa Pisano, 54 tuổi ở New Jersey, bị suy tim và bệnh thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Ca cấy ghép diễn ra tại Bệnh viện NYU Langone. Pisano được đặt máy bơm tim vào ngày 4/4. Đây là thiết bị bơm máy từ các buồng dưới của tim đến phần còn lại của cơ thể, nhằm điều trị cho bệnh yếu tim hoặc suy tim. Sau đó, bà được ghép thận lợn chỉnh sửa gene ngày 12/4.
"Tôi đã thử mọi cách, cạn kiệt mọi nguồn lực. Vì vậy, khi cơ hội đến, tôi sẽ tận dụng nó", bệnh nhân cho biết.
Đây là ca cấy ghép nội tạng đầu tiên được báo cáo ở người sử dụng máy bơm tim cơ học, cũng là ca ghép thận lợn vào người sống thứ hai. Người đầu tiên được ghép thận lợn chỉnh sửa gene, Rick Slayman, 62 tuổi, tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts vào tháng 3, hiện đã xuất viện khỏe mạnh.
Tiến sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện Cấy ghép NYU Langone, người chỉ đạo ca phẫu thuật, cho biết tình trạng sức khỏe của Pisano trước đó rất yếu, tuổi thọ chỉ có thể tính bằng ngày hoặc tuần.
Ngoài bệnh thận và suy tim phải đặt stent, Pisano còn phải đặt ống thông tiểu. Trước đó, vào năm 2020, bà được chẩn đoán mắc ung thư ruột kết và phải cắt bỏ một phần lớn cơ quan này. Các bệnh nền khiến bà không thể tiếp nhận tim và thận một cách thông thường.
Các bác sĩ đã đề xuất Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép thực hiện ca cấy ghép khác loài theo chính sách "nhân đạo", giúp các bệnh nhân mắc bệnh nan y, không có lựa chọn nào khác tiếp cận các sản phẩm y tế nghiên cứu bên ngoài thử nghiệm lâm sàng.
Bác sĩ Robert Montgomery đang thực hiện ca ghép thận lợn cho bà Lisa Pisano tại Bệnh viện NYU Langone, ngày 12/4. Ảnh: NYU Langone
Quả thận đến từ con lợn đã bị phá vỡ gene chịu trách nhiệm sản xuất một loại đường có trên bề mặt tế bào động vật, gọi là alpha-gal. Loại đường này có thể bị kháng thể của con người nhận ra và tấn công. Tuyến ức của lợn - quyết định khả năng miễn dịch - được đặt dưới vỏ thận nhằm giúp hệ miễn dịch của Pisano nhận ra cơ quan này.
Tiến sĩ Montgomery lưu ý việc chính sửa gene lợn trong trường hợp này đơn giản hơn nhiều so với các ca cấy ghép khác ở người sống. Ông cho biết phương pháp sẽ giải quyết hai vấn đề cốt lõi, đó là tình trạng khan hiếm nội tạng và độ phức tạp của quy trình chỉnh sửa gene.
Ông cho biết bệnh nhân "còn chặng đường dài phía trước". Tuy nhiên thận và tim của bà đã hoạt động tốt hơn nhiều. Các bác sĩ đang theo dõi các vấn đề như thải ghép hoặc nhiễm trùng. Họ dự đoán bà cần ít nhất một tháng để hồi phục hoàn toàn và xuất viện.
Pisano cho biết trước khi phẫu thuật, bà gặp vấn đề nghiêm trọng khi đi lại. Bà không thể đứng dậy và thở được. "Giờ đây, tôi cảm nhận được sự thoải mái đã lâu chưa có", bà nói.
Thục Linh (Theo CNN)