Towana Looney, người phụ nữ đã sống với quả thận lợn trong thời gian kỷ lục 130 ngày, đã phải cắt bỏ nội tạng này sau khi cơ thể bắt đầu đào thải. Thông tin được các bác sĩ tại NYU Langone Health công bố hôm 12/4. Đây là một nỗi thất vọng trong nỗ lực nghiên cứu ghép tạng từ động vật sang người.

Trong tuyên bố, bà Looney cảm ơn đội ngũ y bác sĩ vì đã "cho cơ hội tham gia vào một nghiên cứu đáng kinh ngạc". Bà cho rằng dù kết quả không như mong đợi, 130 ngày với thận lợn đã mang lại nhiều bài học quý giá, góp phần giúp đỡ và truyền cảm hứng cho nhiều người khác trong hành trình chống lại bệnh thận.

Các nhà khoa học đang biến đổi gene lợn để nội tạng loài vật này phù hợp hơn với cơ thể người, nhằm giảm tình trạng thiếu hụt tạng cấy ghép. Tại Mỹ, hơn 100.000 người đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng, đa số cần ghép thận. Hàng nghìn người đã tử vong trong khi chờ đợi.

Trước trường hợp của bà Looney, Mỹ mới ghi nhận 4 ca ghép thử nghiệm nội tạng lợn biến đổi gene (hai ca ghép tim và hai ca ghép thận), nhưng không trường hợp nào duy trì được quá hai tháng. Các bệnh nhân đều đang trong tình trạng suy yếu trước phẫu thuật và đã tử vong.

Hiện các nhà nghiên cứu chuyển sang thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân có sức khỏe ổn định hơn, như bà Looney. Vào tháng 1, một người đàn ông tại bang New Hampshire đã nhận được thận lợn và hiện sức khỏe đang tiến triển tích cực. Các chuyên gia sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ghép thận lợn vào mùa hè này. Tại Trung Quốc, các nhà khoa học gần đây cũng công bố một ca ghép thận lợn thành công.

download-14-jpg-1744624775-174-4152-9408-1744624929.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lu50BPSsNvKCF6mPkxM_Ew

Towana Looney được bác sĩ kiểm tra sức khỏe khi tái khám ngày 25/1. Ảnh: AP

Bà Looney bắt đầu chạy thận nhân tạo từ năm 2016, nhưng không đủ điều kiện ghép thận người do cơ thể dễ đào thải. Quả thận lợn đã hoạt động tốt trong gần 4,5 tháng. Bà tự gọi mình là "siêu nhân" khi sống lâu hơn bất kỳ ai đã từng được ghép nội tạng lợn biến đổi gene, từ ngày 25/11/2024 đến đầu tháng 4/2025.

Tiến sĩ Robert Montgomery, phẫu thuật viên của bà Looney, cho biết các bác sĩ đang điều tra nguyên nhân đào thải. Tuy nhiên, ông và bà Looney đã thống nhất rằng việc cắt bỏ nội tạng sẽ ít rủi ro hơn so với tiếp tục dùng thuốc ức chế miễn dịch liều cao để giữ lại thận.

"Chúng tôi đã lựa chọn phương án an toàn. Sức khỏe của bà không xấu đi so với trước khi ghép, thậm chí còn cải thiện nhờ gần 5 tháng không phải chạy thận", tiến sĩ Montgomery nói.

Theo Montgomery, trước khi cơ thể bắt đầu đào thải, bà Looney đã bị nhiễm trùng do quá trình chạy thận trước đó, kèm theo việc giảm bớt liều thuốc ức chế miễn dịch. Đồng thời, hệ miễn dịch của bà bắt đầu hoạt động trở lại sau ca ghép. Các yếu tố này kết hợp có thể gây tác động đến quả thận.

Đào thải là nguy cơ thường gặp trong các ca ghép tạng người, đôi khi khiến bệnh nhân mất nội tạng mới. Bác sĩ phải cân bằng việc ức chế hệ miễn dịch đủ mức để giữ nội tạng, nhưng vẫn đảm bảo khả năng chống nhiễm trùng.

Với các ca ghép tạng từ động vật sang người, thách thức này lớn hơn. Dù nội tạng lợn đã được biến đổi để giảm nguy cơ đào thải tức thời, bệnh nhân vẫn cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Tiến sĩ Tatsuo Kawai, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết việc lựa chọn loại thuốc tối ưu để ngăn ngừa các dạng đào thải về sau vẫn đang được tìm hiểu.

Thục Linh (Theo AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022