Chị Lê Thị Kim Uyên chăm sóc con tại Bệnh viện 22/12, ngày 21/11. Ảnh: Bùi Toàn
Ngày 21/11, tại Bệnh viện 22 tháng 12, bé trai 10 tuổi, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học, THCS&THPT Ischool Nha Trang (Ischool Nha Trang) nằm xem phim hoạt hình trên điện thoại. Thỉnh thoảng cậu bé lại nhăn mặt, đưa tay xoa bụng vì đau. Mẹ cậu, chị Lê Thị Kim Uyên, cho biết con vẫn mệt và thường xuyên tiêu chảy. Do đi vệ sinh quá nhiều, phần mông của bé bị hăm loét, phải bôi thuốc.
Con chị Uyên là một trong 20 học sinh bị ngộ độc thực phẩm nặng nhất sau khi ăn trưa và xế tại trường Ischool Nha Trang 4 ngày trước. Hơn 200 học sinh khác (trong tổng số 648 em bị ngộ độc) đang được điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh.
Hôm đó, thực đơn bữa trưa gồm các món: cơm gà, sốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo. Bữa xế lúc 13h30 là bánh ngọt Paparoti, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.
Nam sinh lớp 4 cho biết không ăn hết phần cơm trưa vì thấy thịt gà có mùi "giống như bị thiu". Đến chiều em đau bụng nhẹ, vẫn cố đi học thêm tiếng Anh vào lúc 17h. Tuy nhiên, chỉ được một lúc cậu đau dữ dội, mệt mỏi, nôn ói. Được cha mẹ đón, đưa vào bệnh viện ngay sau đó, cậu bé nằm liệt giường, đi vệ sinh và nôn ói mất kiểm soát.
Chị Uyên kể, con chị vốn rất khó ăn, thường bị cô giáo phàn nàn là bé bỏ bữa trưa. Thế nên, trước đó, khi nghe con kể thức ăn ở trường dở, hôi, đòi mang đồ của nhà theo, chị cứ nghĩ do con mình khó khăn. "Tôi đã khuyên con nên hòa nhập với các bạn trong trường, cố gắng ăn cùng mọi người. Nhưng bây giờ tôi thấy ân hận vì đã không chịu lắng nghe con, không nghĩ là thức ăn tệ đến vậy", chị Uyên cho biết.
Phần ăn trưa 17/11 của học sinh trường Ischool Nha Trang. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Cũng có con trai bị ngộ độc nặng, những ngày qua chị Lăng Kiều Thu túc trực bên giường bệnh chăm sóc cậu bé 8 tuổi. Gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, lo lắng, chị cho biết con xuất hiện triệu chứng đau bụng vào bữa ăn trưa. Đây là bữa ăn cuối tuần - một trong những bữa ăn được nhà trường đầu tư ngon nhất để học sinh có thể chia sẻ cùng bố mẹ, cũng là một phần trong bộ môn giáo dục trong gia đình.
Chiều hôm đó con chị Thu trở nặng, mệt mỏi. Chị vội thông báo tình hình vào nhóm chat của phụ huynh lớp, hoảng hốt khi nhận được hàng chục phản hồi con của họ cũng có các triệu chứng tương tự. Đến 20h, con chị Thu gần như hôn mê, tiêu chảy, nôn ói liên tục nên gia đình tức tốc đưa đến Bệnh viện Nha Trang - Sài Gòn, may mắn qua cơn nguy kịch. Liên tiếp sau đó có hàng chục học sinh Ischool Nha Trang được cha mẹ đưa đến cấp cứu như con chị. Bệnh viện hết phòng nên chị Thu chuyển con đến Bệnh viện 22/12. "Tôi cứ tưởng con bị bệnh thông thường nên ban đầu không đưa đi viện, nào ngờ bệnh lại chuyển biến nhanh và nặng như vậy", chị Thu kể.
Kiểm tra lại thực đơn ăn trưa của con, chị Thu nhận thấy nhiều món "là đồ đông lạnh" - loại thực phẩm mà nhiều tháng trước phụ huynh đã phản ánh đến giáo viên chủ nhiệm, đề nghị không sử dụng. "Nhìn thức ăn tôi không nghĩ nó trị giá 70.000 đồng mà nhà trường đã thu của phụ huynh. Đã vậy còn sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh khiến con chúng tôi bị ngộ độc thế này", chị Thu nói.
Về đơn vị cung cấp bữa ăn cho Ischool Nha Trang, Hiệu trưởng Phạm Hữu Bình cho biết nhà trường ký hợp đồng với hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (phường Xương Huân, TP Nha Trang) hơn 5 năm qua. Quá trình chế biến được thực hiện tại bếp ở trường học. Đây là lần đầu cơ sở cung cấp thức ăn để xảy ra sự cố. "Nguồn nguyên liệu thức ăn của bên cung cấp nên nhà trường chưa thể nắm. Công an đang điều tra", ông Bình nói.
Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Sở Y tế, đã kiểm tra bếp ăn tại trường Ischool. Kết quả bước đầu cho thấy cơ sở này chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa phát hiện vi phạm. Đoàn điều tra đã lấy mẫu và niêm phong toàn bộ mẫu thức ăn được lưu tại cơ sở đối với thực đơn bữa ăn trưa, bữa xế ngày 17/11, gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Hiện, Viện Pasteur Nha Trang nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân độc tố, dự kiến ngày 23/11 có kết quả. Trung tâm Y tế TP Nha Trang đã tổng vệ sinh các khu vực trong trường, đặc biệt là bếp ăn, và khử khuẩn bằng dung dịch Chloramin B. Toàn trường nghỉ một tuần để học sinh điều trị bệnh, đồng thời rà soát lại vấn đề an toàn thực phẩm.
Chị Kim Uyên khóc khi chia sẻ tình trạng em bé 6 tuổi, ở chung phòng bệnh với con chị, bị sốc nhiễm khuẩn rồi tử vong. Video: Bùi Toàn
Sau 3 ngày xảy ra sự việc, hôm qua, một học sinh 6 tuổi nằm chung Bệnh viện 22/12 với con chị Uyên đã tử vong. Lúc nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bé viêm dạ dày ruột cấp và hạ K máu, điều trị bằng kháng sinh, bù dịch, điện giải. Tối hôm sau, bé mệt mỏi, co giật, ngưng tim, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chẩn đoán khi ấy là sốc nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm. Đến sáng 20/11, bé sốt li bì 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc thuốc vận mạch, dấu hiệu suy đa phủ tạng, phải đặt nội khí quản. Các bác sĩ quyết định chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, song bé mất trên đường chuyển viện.
Sáng 21/11, trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng, 8 bác sĩ ở Sài Gòn đã được huy động đến Nha Trang để hỗ trợ các đồng nghiệp cấp cứu những học sinh bị ngộ độc, nhất là các cháu bị nặng nhất. Họ đã khám cho hơn 200 học sinh đang nằm viện, hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị.
Nhắc đến bé trai không may, chị Uyên bật khóc, chia sẻ sự mất mát với gia đình nạn nhân. "Chúng tôi chỉ muốn lời giải thích cụ thể từ nhà trường, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để nhanh chóng tìm nguyên nhân", chị Uyên nói.
Bùi Toàn