Theo báo cáo của Sở, kết quả phân lập ban đầu ghi nhận tác nhân này nhạy với phần lớn kháng sinh. Đến chiều nay, không còn trường hợp nặng nào cần theo dõi, tất cả bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế đều được chăm sóc theo phác đồ nhiễm trùng, nhiễm độc do ngộ độc thực phẩm. 21 trường hợp nặng đã ổn định sức khỏe.
"Do phần lớn bệnh nhân đã được điều trị ổn định và xuất viện nên hiện tại không ghi nhận tình trạng bệnh nhân quá tải tại các cơ sở y tế", báo cáo của Sở nêu. Nhiều bệnh nhân được bác sĩ cho xuất viện, song tâm lý còn lo lắng nên xin ở lại bệnh viện tiếp tục theo dõi.
Đến nay, Sở Y tế ghi nhận số học sinh ngộ độc được các bệnh viện tiếp nhận là 648, trong đó 261 em được cho về nhà theo dõi, 176 trẻ đã xuất viện, còn 211 đang điều trị. Bệnh nhân ra viện đều được các bệnh viện kết nối và theo dõi sát sau đó để có hướng dẫn kịp thời khi cần thiết. Dự kiến ngày 22/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn cho tất cả đơn vị y tế trên địa bàn về tiếp nhận, chẩn đoán, theo dõi, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm trùng nhiễm độc do ngộ độc thực phẩm.
Ông Vương Ánh Dương, Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng ba bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (gồm một chuyên gia chống độc, một bác sĩ truyền nhiễm và một bác sĩ chuyên ngành vi sinh) đã vào Nha Trang hỗ trợ y tế địa phương. Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế Khánh Hòa tập trung nhân lực, trang thiết bị, thuốc và phương tiện, để điều trị, chăm sóc học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp cần hỗ trợ trực tiếp nhân lực và phương tiện, thuốc phục vụ điều trị, Sở Y tế báo cáo với Bộ.
Học sinh trường Ishcool Nha Trang bị ngộ độc điều trị tại Bệnh viện 22/12, trưa 18/11. Ảnh: Bùi Toàn
Trả lời VnExpress, bác sĩ Doãn Uyên Vy - chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Salmonella là thủ phạm thường thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Dấu hiệu khởi phát thường gồm sốt, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy... Khuẩn này có nhiều trong thực phẩm như trứng gà, rau sống, thực phẩm tươi sống.
Những ngày qua, bác sĩ Vy hỗ trợ trường Ischool Nha Trang từ xa để tìm nguyên nhân ngộ độc. "Từ thực đơn và triệu chứng của các học sinh chủ yếu là tiêu chảy, một số trẻ nôn ói, sốt, tôi cũng nghĩ nhiều Salmonella, xuất phát từ món sốt trứng hoặc rau sống", bác sĩ Vy nói. Trẻ nhiễm khuẩn Salmonella tiêu chảy nhiều có thể gây mất điện giải, nếu không bù điện giải kịp thời sẽ dễ hạ can xi, khiến bé lên cơn co giật, biến chứng.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, ngày 17/11, trường Ischool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh được chia làm hai suất. Suất một ăn lúc 10h30, suất hai ăn lúc 11h30, gồm các món: cơm gà, xốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm); cánh gà chiên; canh (xương, cà rốt, cải thảo); dưa leo. Bữa ăn xế lúc 13h30 với bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.
Khoảng 5 giờ sau khi ăn, một số em có các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 22h, các em xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, được người nhà đưa đến các bệnh viện trong thành phố. Ngày 20/11, một bé tử vong do sốc nhiễm trùng.
Bùi Toàn - Lê Phương - Lê Nga