Chiều cao trên 1m 60, cân nặng 55 kg, chỉ số BMI bình thường, nhưng Lan lại có vòng eo 77 cm - cao hơn nhiều so với chuẩn 65-70 cm. Kết quả khám, đo khối lượng mỡ và cơ bằng dụng cụ chuyên dụng cho thấy cô thuộc nhóm "skinny fat" - tình trạng tỷ lệ mỡ cao nhưng cơ bắp thấp dù BMI bình thường.

Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể dùng để xác định tình trạng một người có bình thường hoặc suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì.

1d1b6ea49f3e22607b2f-173552642-2953-1564-1735526897.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HSWx03HkikEUaDhr_wgEHQ

Thể hình Lan trước (trái) và sau (phải) khi giảm cân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các chuyên gia gọi đây là "béo phì có cân nặng bình thường" hay "gầy bên ngoài, béo bên trong". Tình trạng này có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Sau sinh con thứ hai, vòng eo "sồ sề" khiến Lan mặc cảm, không dám gặp gỡ ai. Khó khăn trong việc ăn uống đúng giờ và duy trì tập luyện càng khiến cô chật vật trong hành trình giảm cân.

Lan tìm đến huấn luyện viên và được hướng dẫn chế độ ăn ngược: bắt đầu bữa ăn với rau, trái cây ít ngọt, tiếp đến là protein (thịt, cá), cuối cùng là tinh bột. Cô ăn đủ ba bữa, không nhịn đói, ưu tiên thực phẩm theo mùa, hạn chế thịt đỏ, dầu mỡ, thay bằng thịt gia cầm, hải sản và các loại rau củ quả ít đường như bưởi, táo, cam, quýt.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhìn nhận ăn rau trước bữa cơm sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu và tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là chất bột đường, giúp kiểm soát đường huyết, không tăng quá đột ngột cũng không bị đói vào xa bữa ăn. Ngoài ra, người ăn có thể kiểm soát được lượng thực phẩm nạp vào trong mỗi bữa, giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. Hơn thế, lấp đầy chiếc bụng rỗng với rau sẽ khiến bạn nhanh chóng cảm thấy no bụng, không muốn ăn nhiều hơn sau đó. Từ đây, chúng ta có thể kiểm soát được hàm lượng đường, hàm lượng chất béo có trong thức ăn một cách tốt hơn.

Một trong những yếu tố nền tảng nhất của mọi phương pháp giảm cân là thâm hụt calo, tức là lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập luyện.

Bởi vậy, Lan chú trọng lượng calo nạp vào, song cách tính toán không quá cầu kỳ mà có thể ước lượng bằng mắt thường hoặc cảm nhận trong khi ăn. Nhờ việc ăn chậm nhai kỹ, mỗi bữa chỉ ăn no 80%, cô kiểm soát lượng thức ăn nạp vào, từ đó việc tập luyện, trao đổi chất tạo ra thâm hụt calo được tối ưu, giảm cân hiệu quả.

470670827-982044433743628-9228-4021-1162-1735526897.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-wGbDd-FaTNcAZi1q_qx_w

Thể hình cân đối của Lan sau giảm cân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài dinh dưỡng, cô tập luyện 20-30 phút mỗi ngày với các bài cardio, đi bộ 5.000-7.000 bước/ngày, giảm thời gian ngồi. Theo các chuyên gia, đi bộ 5.000 bước mỗi ngày và kết hợp tập cardio là cách hiệu quả để đốt mỡ và cải thiện sức khỏe. Đi bộ giúp tiêu hao khoảng 150-250 calo, kích hoạt quá trình đốt mỡ nhờ sử dụng năng lượng từ mỡ dự trữ khi vận động ở cường độ thấp đến trung bình. Trong khi đó, tập cardio (như chạy bộ, đạp xe, hoặc HIIT) đốt cháy nhiều calo hơn, tăng nhịp tim và tạo hiệu ứng "afterburn", giúp cơ thể tiếp tục tiêu hao năng lượng sau khi tập. Để tối ưu hóa, cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng để hỗ trợ quá trình giảm mỡ.

Sau ba tháng, Lan giảm 9 kg, vòng eo thu nhỏ 17 cm, từ 77 cm xuống 60 cm. "Làm việc gì cũng cần phương pháp phù hợp mới có thể duy trì lâu dài. Cơ thể mình giống như cái cây, cần được chăm sóc mỗi ngày", người phụ nữ chia sẻ.

462422256-931232045491534-6754-3114-5434-1735526897.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LeMazGX4V4kuSP899gw2Cw

Chiếc eo thon gọn của Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022