Theo thông tin mới nhất từ trang giải trí Phoenix Entertainment, nguyên nhân cái chết của nữ diễn viên nổi tiếng Từ Hy Viên (Đại S) được xác định là do "nhiễm trùng huyết" xuất phát từ viêm phổi.
![base64-1738763597923921624665.jpeg](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/5/base64-1738763597923921624665.jpeg)
Nhiễm trùng huyết: Mối nguy hiểm tiềm tàng, đừng chần chừ khi có bệnh!
Từ cúm A đến viêm phổi rồi nhiễm trùng huyết, chỉ trong 5 ngày, bệnh tình diễn biến quá nhanh, sự ra đi của Đại S để lại những cảnh báo gì cho chúng ta?
"Đừng chần chừ khi có bệnh!".
Sau cái chết của Từ Hy Viên, bác sĩ chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến bệnh cúm diễn biến nguy hiểm và 2 lời khuyên phòng tránh
Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết (còn gọi là nhiễm trùng máu) rất cao, từ 50% đến 60%. Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc y tế tích cực tại Bệnh viện Chiết Giang, cho biết: "Nhiễm trùng huyết, hiện nay trên lâm sàng thường được gọi là nhiễm trùng máu, là một bệnh lý nguy kịch do phản ứng viêm không kiểm soát của cơ thể gây ra bởi nhiễm trùng. Nó dẫn đến rối loạn chức năng các cơ quan và đe dọa tính mạng". Khi bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc các vi sinh vật gây bệnh khác, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng viêm không kiểm soát đối với nhiễm trùng, từ đó gây suy đa tạng.
Theo số liệu của tổ chức Nhiễm trùng huyết Thế giới, cứ 2,8 giây lại có một người trên thế giới tử vong vì nhiễm trùng huyết. Nếu nhiễm trùng huyết không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao, tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm trùng huyết là 50%-60%.
Phó Giáo sư Lưu Bỉnh Vũ cho biết thêm, nhiễm trùng huyết ở một số bệnh nhân diễn biến rất nhanh, chỉ trong nửa ngày đến một ngày có thể dẫn đến suy đa tạng, thậm chí tử vong. Việc phát hiện và điều trị sớm nhiễm trùng huyết có liên quan mật thiết đến tiên lượng bệnh.
![-173876564757998029378.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/5/-173876564757998029378.jpg)
Bệnh cúm A gây ra nhiễm trùng huyết như thế nào?
Virus cúm A xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Trong quá trình này, cơ thể có thể tạo ra phản ứng viêm quá mức.
Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ cho biết, theo thông tin được đưa, trường hợp của Đại S thuộc loại cúm A gây viêm phổi, dẫn đến tổn thương chức năng phổi, gây suy hô hấp. Virus cúm A và vi khuẩn nhiễm trùng thứ phát sau đó lan rộng trong cơ thể. Nhiễm trùng gây ra cơn bão viêm không kiểm soát, cuối cùng dẫn đến tổn thương và rối loạn chức năng của nhiều cơ quan.
Những đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng huyết cao và bài học từ trường hợp cụ ông 90 tuổi...
Tất nhiên không phải ai cũng bị nhiễm trùng huyết khi mắc cúm, người khỏe mạnh bình thường sẽ ít khả năng xuất hiện phản ứng viêm nghiêm trọng như thế.
Vậy những ai dễ gặp phải tình trạng này?
Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ cho biết, những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ… và những người có bệnh nền như bệnh thận mãn tính, bệnh gan, tiểu đường… đặc biệt dễ gặp phải tình trạng này.
![nhiem-trung-huyet-2-1738765611118958618790.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/5/nhiem-trung-huyet-2-1738765611118958618790.jpg)
Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ kể thêm về trường hợp một cụ ông hơn 90 tuổi bị nhiễm trùng huyết do viêm phổi: Chiều hôm được đưa vào cấp cứu, cụ ông vẫn còn chơi golf cùng bạn bè. Gia đình nhớ lại, hôm đó cụ ông chỉ chơi được nửa tiếng thì thấy hơi mệt, bình thường cụ có thể chơi khoảng 2 tiếng. Tối hôm đó, cụ ăn rất ít, gần như không ăn gì, người mệt mỏi. Đến nửa đêm, gia đình mới phát hiện cụ ông tay chân lạnh toát, gọi mãi không tỉnh, liền đưa đi cấp cứu. Phó Giáo sư Lưu Bỉnh Vũ ngay lập tức tiến hành kiểm tra cho cụ, phát hiện huyết áp của cụ chỉ còn 60-70 mm/Hg, độ bão hòa oxy máu chỉ còn hơn 70%. Sau khi hỏi gia đình, họ mới nhận ra cụ ông đã không đi tiểu suốt cả buổi chiều.
"Đó là do viêm phổi gây ra nhiễm trùng huyết, khiến các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương. Chúng tôi ngay lập tức tiến hành đặt nội khí quản, thở máy cho bệnh nhân. May mắn là gia đình đưa bệnh nhân đến kịp thời. Sau khi được hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh và các biện pháp điều trị tổng hợp khác, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện sau nửa tháng điều trị", vị Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ cho biết.
Ông nói thêm, nếu phát hiện kịp thời, ngay cả khi đã 90 tuổi, được điều trị đúng cách, tỷ lệ cứu sống vẫn rất cao. Quay trở lại trường hợp của Đại S, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tiên lượng có thể sẽ tốt hơn rất nhiều.
... đến bài học từ một nữ bệnh nhân 60 tuổi
Những tín hiệu nhỏ mà cơ thể phát ra khi không khỏe đôi khi bị bỏ qua vì nhiều lý do. Nhiều người thường nghĩ rằng "không sao đâu, chịu đựng một chút là được". Tuy nhiên, suy nghĩ này rất nguy hiểm.
Ngày 31/1, mùng 3 Tết, Phó Giáo sư Lưu Bỉnh Vũ đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân như vậy. "Bệnh nhân là một phụ nữ 60 tuổi, được đưa đến khoa cấp cứu của bệnh viện chúng tôi vì đau lưng đến mức không thể đứng dậy được. Lúc đó, gia đình đều nghĩ rằng bệnh đau cột sống thắt lưng của bà tái phát nên đã trì hoãn đến 3 ngày mới đến bệnh viện", Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ cho biết. Nữ bệnh nhân này đi du lịch từ Thượng Hải đến Hàng Châu vào dịp Tết, ở tại một khách sạn ven Hồ Tây. Sau đó, bà cảm thấy không ổn và gia đình đã ngay lập tức đưa bà đến Bệnh viện Chiết Giang.
Phó Giáo sư Lưu Bỉnh Vũ cho biết thêm, nữ bệnh nhân này bị tiểu đường, bệnh mạch vành và suy thận mãn tính. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng như tay chân lạnh, khó thở, nhiệt độ cơ thể lên tới 40,2 độ C, thần trí vẫn còn tỉnh táo, huyết áp tâm thu chỉ còn 80 mm/Hg. Sau khi hỏi mới biết bệnh nhân đã không đi tiểu suốt một ngày, chỉ số creatinine trong máu lên tới hơn 1000.
Sau khi kiểm tra, Phó giáo sư Lưu Bỉnh Vũ phát hiện bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau khi được hồi sức bằng dịch, loại bỏ ổ nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh, theo dõi và hỗ trợ chức năng các cơ quan, nữ bệnh nhân cuối cùng đã qua cơn nguy kịch.
Phó Giáo sư Lưu Bỉnh Vũ nhắc nhở, những người khỏe mạnh trong các chuyến du lịch thường dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, vì vậy cần chú ý đến những tín hiệu mà cơ thể phát ra. Điều này càng đúng hơn với những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu.
Đặc biệt, trong các chuyến du lịch, cần đặc biệt chú ý đến những điểm khác biệt so với bình thường, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nên đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân.
![0a42da90-c6bd-4237-b0a7-88e022cb8dfa-1738763095879-17387630960561614425674.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/5/0a42da90-c6bd-4237-b0a7-88e022cb8dfa-1738763095879-17387630960561614425674.jpg)
Làm sao để đánh giá nguy cơ nhiễm trùng huyết và tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm
Vậy làm thế nào để nhận biết nguy hiểm sắp xảy ra? Có người sẽ hỏi: Nếu chỉ bị cúm thông thường, làm sao tôi biết khi nào cần đưa đi bệnh viện?
Bác sĩ Lưu Bỉnh Vũ đã đề cập đến một phương pháp có thể nhận biết bệnh nhân có tiến triển thành nhiễm trùng huyết hay không bằng mắt thường. Đó là phương pháp chấm điểm qSOFA.
Phương pháp này bao gồm ba điểm chính:
1. Quan sát sự thay đổi trạng thái ý thức của bệnh nhân. Nếu xuất hiện tình trạng thờ ơ, buồn ngủ, hôn mê… thì tính 1 điểm.
2. Nếu nhịp thở lúc nghỉ ngơi nhiều hơn 22 lần/phút thì tính 1 điểm.
3. Đo huyết áp, nếu huyết áp tâm thu dưới 100 mm/Hg thì tính 1 điểm.
Đối với bệnh nhân cao huyết áp, nếu huyết áp thấp hơn 20% so với huyết áp cơ bản thì tính 1 điểm.
Nếu tổng điểm lớn hơn hoặc bằng 2, nguy cơ nhiễm trùng huyết rất cao, nên đưa đi bệnh viện ngay lập tức.
Giám đốc khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chiết Giang nhấn mạnh rằng cúm có thể gây tử vong, người dân cần nâng cao cảnh giác và phòng ngừa. Tuy nhiên, cúm cũng không phải là điều gì quá đáng sợ, không cần phải quá lo lắng, việc điều trị kịp thời và hiệu quả có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc.
So với việc cấp cứu, phòng ngừa vẫn quan trọng hơn, tiêm vắc xin cúm có thể giảm 82% nguy cơ bệnh nặng. Ông khuyến nghị người dân nên đặt lịch tiêm vắc xin vào tháng 9 hàng năm, chuẩn bị sẵn thuốc kháng vi-rút như Oseltamivir/Baloxavir marboxil trong tủ thuốc gia đình và lưu bản đồ các bệnh viện được chỉ định điều trị cúm tại địa phương trên điện thoại. Đồng thời, thực hiện "cách ly xã hội", tự cách ly tại nhà 5 ngày sau khi được chẩn đoán cúm, bao gồm toàn bộ thời gian đào thải virus; đeo khẩu trang ở nơi công cộng, dùng khuỷu tay che miệng khi ho, giảm thiểu lây lan qua đường giọt bắn trong phạm vi 3 mét; thực hiện ăn uống riêng trong gia đình, giảm 78% tỷ lệ lây nhiễm trong gia đình...