Dự án do bệnh viện này phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế TP HCM.
Phát biểu tại sự kiện, ngày 22/5, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc, cho biết nhân viên y tế thường đối mặt với nhiều áp lực lớn. Nếu không biết cân bằng cảm xúc, có thể dẫn đến stress, trầm cảm. Phòng chăm sóc tâm thể ra đời là hoạt động ý nghĩa nhằm giúp nhân viên y tế có thời gian cũng như không gian thư giãn, tái tạo sức lao động sau giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
Phòng chăm sóc tâm thể có màu sắc chủ đạo là trắng và xanh da trời. Tại đây, y bác sĩ có thể ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện, tô màu, đọc sách, sử dụng ghế massage thư giãn, tự pha trà hay cà phê nhâm nhi...
Nhân viên y tế nằm ghế massage thư giãn tại Phòng chăm sóc tâm thể. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy y bác sĩ có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Stress nghề nghiệp gây tổn thương hệ thần kinh, tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, cơ xương khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, giảm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm...
Một kết quả khảo sát trầm cảm, lo âu, stress ở nhân viên y tế tại Bệnh viện Hùng Vương (năm 2021), trên tổng số 1.186 nhân viên cho thấy, có tới 16,5% nhân viên y tế bị stress, 42,2% bị trầm cảm và 24,3% có chứng rối loạn lo âu.
Hậu quả của tình trạng trên khiến ngành y tế TPHCM phải đối mặt với làn sóng nhân viên y tế liên tiếp nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Thời gian qua, Sở Y tế TP HCM đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế. Bên cạnh phát triển tổng đài tư vấn, các bệnh viện thiết lập phòng nghỉ ngơi nhằm cung cấp không gian cho y bác sĩ giải tỏa căng thẳng.
Mỗi bệnh viện có một nhân sự phối hợp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế. Những người này được đào tạo, tập huấn về nhận biết, đánh giá sàng lọc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên tại đơn vị.
Các lãnh đạo, quản lý được tập huấn để hiểu hơn về vai trò của sức khỏe tâm thần với nhân viên y tế và các phương thức xử lý, vượt qua căng thẳng. Đồng thời, ngành y tế xây dựng sổ tay truyền thông, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng nhận biết và hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với nhân viên có rối loạn sức khỏe tâm thần.
Năm 2022, Sở Y tế TP HCM triển khai mô hình "cấp cứu trầm cảm", do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP HCM đảm trách.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, những hoạt động này nhằm giúp nhân viên kiểm soát căng thẳng và cân bằng cảm xúc, sàng lọc, phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần, từ đó đảm bảo nguồn nhân lực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhân viên y tế lựa chọn sách, báo tại Phòng chăm sóc tâm thể. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bà Evonne Amaka Nkem Nwankwo-Igomu - cố vấn kỹ thuật cao cấp của USAID, chia sẻ việc đầu tư vào sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên y tế không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh viện, mà còn là chiến lược quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ khách hàng.
Theo bà, việc thành lập Phòng chăm sóc tâm thể là một giải pháp cơ bản đáp ứng nhu cầu của y bác sĩ để họ có thể thư giãn, nạp năng lượng, từ đó làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, Phòng chăm sóc tâm thể cũng được thành lập ở Bệnh viện thành phố Thủ Đức.
Mỹ Ý