Đây là nội dung trong Thông tư quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh vừa được Bộ Y tế ban hành. Thông tư này ban hành trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc kéo dài nhiều năm qua, người dân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự mua nhiều loại thuốc, vật tư y tế.

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế), để được thanh toán chi phí, tại thời điểm kê đơn thuốc hay chỉ định sử dụng thiết bị y tế phải có một số điều kiện.

Cụ thể, thứ nhất, bệnh viện không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã được duyệt. Đồng thời, bệnh viện không có thuốc thương mại nào chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn; hoặc cùng hoạt chất nhưng khác nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng và không thể thay thế.

Trường hợp người bệnh được chỉ định sử dụng song không có thiết bị y tế để thay thế, BHYT sẽ thanh toán cho sản phẩm được mua ngoài.

Bên cạnh đó, cơ sở điều trị không chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tình trạng sức khỏe, bệnh lý được xác định không đủ điều kiện để chuyển; cơ sở điều trị đang trong thời gian cách ly y tế phòng chống bệnh truyền nhiễm; cơ sở điều trị cấp chuyên sâu.

Ngoài ra, không thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải phù hợp với phạm vi chuyên môn của bệnh viện.

Cuối cùng, thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

233a9137-1729489790-9643-1729489822.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_i-PHy3dZ4B757u9mBao8g

Người dân đến khám bệnh, mua thuốc tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ làm căn cứ thanh toán. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí họ đã mua trong vòng 40 ngày.

Thời gian qua, trong bối cảnh thiếu thuốc và vật tư y tế, nhiều bệnh nhân phải mua thuốc ở bên ngoài bệnh viện với giá cao gấp nhiều lần giá BHYT quy định nhưng không được thanh toán lại. Điều này khiến người bệnh thêm nặng gánh tài chính điều trị, bất công cho người mua bảo hiểm. Hồi cuối năm 2023, tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cần có cơ chế hoàn trả để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Khi đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua bên ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua sẽ có nhiều nguy cơ về chất lượng, an toàn; rủi ro lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong thanh toán. Vì vậy, Bộ Y tế giao Vụ Bảo hiểm Y tế xây dựng thông tư đảm bảo quyền lợi cho người hưởng bảo hiểm phải mua thuốc bên ngoài.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022