Thông tin được GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Ban bảo vệ sức khỏe trung ương, nêu tại Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với chủ đề Bệnh không lây nhiễm trong kỷ nguyên mới, ngày 6-7/1.
Theo giáo sư Nguyễn Lân Việt, mô hình bệnh tật không lây nhiễm ngày càng tăng và là thách thức của ngành y tế. Bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường và hô hấp đã vượt qua các bệnh truyền nhiễm, trở thành "kẻ giết người" hàng đầu, gây ra 74% số ca tử vong trên thế giới. Cứ hai giây, toàn cầu lại có một người dưới 70 tuổi chết vì bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, bệnh không lây nhiễm là yếu tố có thể dẫn đến tử vong khi mắc bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
"Tuy nhiên, đa số người dân vẫn chủ quan, khoảng 50% người tăng huyết áp không biết bệnh, chỉ 1/3 bệnh nhân được điều trị, nhiều người không tuân thủ điều trị", giáo sư Việt nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Long, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Đại học Y Hà Nội, cho rằng y học ngày càng phát triển, bệnh nhân được chẩn đoán sớm, dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, đặc biệt tăng huyết áp và đái tháo đường. Cứ 100 trường hợp tử vong thì có 77 chết do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, đái tháo đường chiếm 4%...
Theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ (STEPS) năm 2015, do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với WHO, chi phí cho điều trị bệnh không lây nhiễm cao hơn 40-50 lần so với các bệnh lây nhiễm.
Nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh không lây nhiễm do hút thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn thiếu rau và trái cây, thiếu vận động thể lực, tiêu thụ muối cao. Người thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu... có nguy cơ mắc tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính tăng, đặc biệt là ở nam giới.
"Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm có thể chủ động phòng ngừa, nhờ tuân thủ điều trị, cải thiện lối sống và can thiệp phẫu thuật", bác sĩ nói.
Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe, xây dựng chế độ ăn lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, vận động hàng ngày để phòng ngừa bệnh tật.
Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm nhẹ đang thăm khám sức khỏe người bệnh. Ảnh: Thùy An