"Em bé ra rồi!", y tá thông báo sau tiếng khóc chào đời của đứa trẻ. Cặp vợ chồng người Trung Quốc nhìn nhau, đập tay ăn mừng. Con của họ vừa được một người phụ nữ khác sinh ra. Hành trình mang thai hộ gần ba năm ở Mỹ của cặp đôi kết thúc.

Đối với người phụ nữ mang thai đứa bé trong 9 tháng, vai trò của cô đến đây là hoàn tất. Đối với Peng và Li, lựa chọn này là một sự thỏa hiệp. Li muốn có con nhưng không muốn mang thai và sinh nở. Peng khao khát có con nhưng cũng thông cảm cho nỗi lo của vợ. Cả hai quyết định tìm hiểu về mang thai hộ 4 năm trước. Họ bắt đầu hành trình vào tháng 8/2021. Giữa chừng, họ phát hiện ra nhiều bạn bè có lựa chọn tương tự.

Ở Trung Quốc, mang thai hộ phổ biến hơn mọi người nghĩ. Nhiều cặp vợ chồng, thậm chí cả người độc thân, lựa chọn phương pháp này. Các cặp đôi khá giả trong độ tuổi sinh đẻ thường đến Mỹ, nơi mang thai hộ hợp pháp và có dịch vụ y tế tiên tiến.

Phỏng vấn với tờ Zaobao, hai công ty mang thai hộ ở Mỹ xác nhận khoảng 50% khách hàng của họ đến từ Trung Quốc và tỷ lệ này đang tăng lên. Theo West Coast Surrogacy, 10 năm trước, 40% khách hàng của họ là người Trung Quốc.

Các quốc gia có quan điểm pháp lý khác nhau về mang thai hộ. Singapore cấm mang thai hộ. Nhiều nước châu Âu cấm mang thai hộ thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Một số bang của Mỹ cho phép dịch vụ mang thai hộ thương mại.

Tuy nhiên, chi phí mang thai hộ ở Mỹ khá cao, từ 180.000 đến 250.000 USD - một rào cản tài chính đáng kể. Do đó, người Trung Quốc vẫn phải tìm kiếm cơ hội mang thai hộ trong nước, tạo nên một ngành công nghiệp ngầm phức tạp, không được xã hội chấp nhận và nằm trong vùng xám pháp lý.

Được thành lập năm 2004, AA69 tự xưng là công ty mang thai hộ đầu tiên ở Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, số công ty kiểu này tăng lên đáng kể.

Theo ước tính của Caixin vào năm 2017, có khoảng 1.000 công ty cung cấp dịch vụ mang thai hộ ở Trung Quốc, trong đó 20 đến 30 công ty có quy mô nhất định. Số ca sinh con nhờ mang thai hộ hàng năm được ước tính là 20.000. 7 năm sau, những con số này có thể đã tăng lên.

7634b43b-5718-49e9-ad72-e50fde-3684-9869-1732785726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NKuhS_KJKUaKDjqkmsPcjw

Mang thai hộ vẫn được coi là bất hợp pháp tại Trung Quốc. Ảnh: Zaohao

Hoạt động ngầm nhưng bài bản

Các công ty mang thai hộ chủ yếu hoạt động kín đáo ở những thành phố lớn, với mức thu nhập cao như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Hàng Châu. Quy trình của chúng khá giống nhau. Người mang thai hộ cần kiểm tra sức khỏe, kỳ rụng trứng, nuôi và cấy phôi, kiểm tra thai kỳ. Chi phí mang thai hộ dao động từ 450.000 đến 800.000 nhân dân tệ (62.150 đến 110.400 USD).

Người môi giới tự xưng là "tư vấn viên sinh sản". Một số người cung cấp thông tin cá nhân để tạo ấn tượng về sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Họ thảo luận với khách hàng về các gói dịch vụ một cách trôi chảy và chi tiết. Để tránh các thuật ngữ nhạy cảm, ngành này sử dụng từ mã hóa: "dy" cho "mang thai hộ" (代育, dai yu) và "取 L" cho "lấy trứng" (取卵, qu luan).

Để xoa dịu nỗi lo của khách hàng, các "tư vấn viên sinh sản" đưa ra những câu trả lời đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Họ tuyên bố có thỏa thuận với bệnh viện phụ sản, hứa hẹn sẽ xử lý mọi vấn đề pháp lý liên quan và khẳng định "mang thai hộ không phải là tội", đảm bảo khách hàng sẽ được thả ngay trong ngày nếu bị bắt.

Các tổ chức mang thai hộ này hoạt động thông qua những mối quan hệ bất hợp pháp với bệnh viện địa phương. Chính quyền Thanh Đảo gần đây đã công bố kết quả điều tra về cơ sở mang thai hộ ngầm lớn nhất miền bắc Trung Quốc, liên quan đến một bệnh viện công hạng 3A và các bác sĩ của bệnh viện này.

Trong số những người cần dịch vụ mang thai hộ có gia đình giàu có hoặc người độc thân muốn có con. Họ lựa chọn điều này dù không gặp khó khăn về sinh sản. Tuy nhiên, số người không thể sinh con vì lý do sức khỏe vẫn chiếm phần lớn, chẳng hạn các cặp vợ chồng vô sinh, người cao tuổi mất con duy nhất và các cặp vợ chồng lớn tuổi muốn sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Hai công ty mang thai hộ ở Mỹ cho biết nhóm này chiếm 60% đến 90% tổng nhu cầu dịch vụ mang thai hộ.

Trong số những người quan tâm đến dịch vụ mang thai hộ ở Trung Quốc, có một nhóm nhỏ: người đồng tính. Vào tháng 5, Liu Zifan, 33 tuổi, và bạn đời đồng giới của anh đã chào đón đứa con mang thai hộ của họ ở Mỹ. Liu phải vật lộn với quyết định nhận con nuôi và mang thai hộ. Cuối cùng, anh đã chọn con đường huyết thống. Mang thai hộ là cách duy nhất để Liu có con ruột.

Tuy nhiên, những người có tư tưởng tiến bộ hơn có thể không coi huyết thống là điều kiện tiên quyết. Peng và Li thuộc nhóm này. Con trai của họ mang gene của Peng nhưng không có quan hệ huyết thống với Li. Sau khi bác sĩ phát hiện Li có lượng trứng thấp, cặp vợ chồng đã quyết định sử dụng trứng hiến tặng để tăng cơ hội thành công.

Làng mang thai hộ

Làng Qili ở tỉnh Hồ Bắc từng là một "ngôi làng mang thai hộ" nổi tiếng ở Trung Quốc, nơi tập trung nhiều công ty cung cấp dịch vụ này, cho phép các phụ nữ trong làng kiếm từ 150.000 đến 250.000 nhân dân tệ một lần sinh con. Trong một cuộc phỏng vấn do truyền thông Trung Quốc thực hiện 7 năm trước, dân làng chia sẻ, "99% phụ nữ ở đây từng là người mang thai hộ".

Đến năm nay, ngôi làng không còn hành nghề này. Khi điều kiện kinh tế được cải thiện và thế hệ phụ nữ trước đây đã già đi, rất ít người dân địa phương sẵn sàng sinh con cho một cặp vợ chồng khác.

Việc khó tìm người mang thai hộ ở một ngôi làng từng cung cấp dịch vụ hàng loạt phản ánh sự dịch chuyển khu vực của ngành công nghiệp ngầm này trong thập kỷ qua, từ miền trung lạc hậu về kinh tế đến những nơi kém phát triển hơn như Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây.

Tuy nhiên, luật pháp Trung Quốc về mang thai hộ về cơ bản không thay đổi trong 20 năm qua. Các Biện pháp Quản lý Công nghệ Sinh sản Hỗ trợ Con người do Bộ Y tế công bố năm 2001 quy định, các cơ sở y tế và nhân viên y tế không được thực hiện các thủ tục mang thai hộ dưới bất kỳ hình thức nào.

Một số người cho rằng các quy định cấp bộ lỗi thời này không hiệu quả, tạo ra khoảng trống pháp lý, cho phép công ty mang thai hộ thương mại hoạt động mà không bị kiểm soát. Những người khác nhận định, sự mơ hồ trong luật mang thai hộ của Trung Quốc là cố ý.

1-21-3147-1732509967-9054-1732785726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yX4y8_MIvuRClzPbbkIrnA

Làng Qili - ngôi làng nổi tiếng với dịch vụ mang thai hộ ở Trung Quốc,. Ảnh: SPH Media

Dư luận trái chiều

Những người không ủng hộ hình thức mang thai hộ cho rằng điều này sẽ làm "ảnh hưởng đến định nghĩa mối quan hệ cha mẹ, con cái". Phó giáo sư Xu Wenhai từ Trường Luật, Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU), chỉ ra rằng mang thai hộ đặt ra thách thức về việc ai là mẹ hợp pháp của đứa trẻ và "làm mất ổn định đáng kể" mối quan hệ cha mẹ - con cái.

Một cuộc tranh luận về đạo đức khác xoay quanh vấn đề bóc lột phụ nữ. Những người phản đối cho rằng mang thai hộ thương mại biến việc sinh nở thành hàng hóa, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới.

Mặt khác, những người ủng hộ cảm thấy mang thai hộ sẽ cho phép những người gặp khó khăn về sinh sản trở thành cha mẹ, để tất cả nhóm đều được hưởng quyền sinh con. Ở các quốc gia như Mỹ, nơi mang thai hộ được hợp pháp hóa, cả hai bên đều tham gia giao dịch một cách tự nguyện, và luật pháp cũng có thể bảo vệ quyền của người mang thai hộ nhiều nhất có thể.

Cong Yali, giáo sư tại Khoa Đạo đức và Luật, Trường Nhân văn Y khoa, Đại học Bắc Kinh, cho biết, dù những người không thể sinh sản "rất đáng được thông cảm", nhưng về mặt đạo đức, mang thai hộ tạo ra nhiều vấn đề và tác hại tiềm ẩn. Cong nhận thấy, hầu hết người mang thai hộ ở Trung Quốc là phụ nữ nghèo khó. Họ tìm đến các công ty môi giới vì khó khăn tài chính, không phải vì tự nguyện lựa chọn.

Dù không ủng hộ, Xu vẫn tin rằng mang thai hộ sẽ được thương mại hóa ở Trung Quốc vào một ngày nào đó. Hiện tại, hiến tinh trùng đã hợp pháp và việc hiến trứng phi thương mại dự kiến sẽ được thực hiện theo. Với sự tiến bộ của công nghệ, mang thai hộ bằng tử cung nhân tạo cũng sẽ trở thành hiện thực. Ông nói thêm: "Chúng ta đang dần tiến tới hướng này, và thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời".

Thục Linh (Theo Zaobao)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022