Hôm 28/11, giáo sư Lin cho biết ông nhận chẩn đoán hồi tháng 5. Điều này gây kinh ngạc cho cả ông và người thân, bởi ông chưa từng hút thuốc.
Dù đã giảm trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở người Mỹ gốc Á không hút thuốc vẫn tăng lên. Biết về xu hướng đáng lo ngại này, cách đây 6 năm, Lin thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Sức khỏe Châu Á ở Stanford hy vọng sẽ tìm hiểu rõ hơn.
"Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mắc, hoặc trở thành biểu tượng cho trung tâm nghiên cứu của chính mình vì căn bệnh", ông nói.
Lin chọn thời điểm kết thúc tháng 11 để chia sẻ về ung thư phổi. Tháng này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là tháng nâng cao nhận thức về ung thư phổi trên toàn cầu. Đây là dịp để cộng đồng nâng cao nhận thức về căn bệnh này, cách phòng chống và tầm soát sớm.
Chẩn đoán nhanh chóng bất thường
Mùa xuân năm nay, Lin bị ho kéo dài, cổ họng căng tức trong khoảng 5 đến 6 tuần. Ban đầu, ông nghĩ mình bị dị ứng và đã thử dùng thuốc hít. Tuy nhiên, cơn ho vẫn dai dẳng. Ông phải nhắn tin cho đồng nghiệp là bác sĩ tai mũi họng và được yêu cầu chụp X-quang lồng ngực. Kết quả cho thấy một đám mờ ở phổi, có thể là nhiễm trùng hoặc ung thư. Khám cổ họng và dây thanh quản không phát hiện vấn đề, ông tiếp tục tiến hành chụp CT, soi phế quản và lấy mẫu sinh thiết mô phổi.
Chưa đến hai tuần đi khám, tức 8 tuần sau cơn ho, Lin nhận chẩn đoán ung thư và bắt đầu điều trị. Đa số bệnh nhân không được may mắn như Lin. Một nghiên cứu nhỏ cho thấy, bệnh nhân ung thư phổi thường phải đợi trung bình 138 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên mới được điều trị.
Giáo sư Bryant Lin, Trường Y Đại học Stanford mắc ung thư phổi dù không hút thuốc. Ảnh: Stanford University School of Medicine
Đột biến xấu tạo ra mục tiêu tốt cho điều trị
Dạng bệnh của Lin có tên ung thư phổi không tế bào nhỏ, đôi khi gọi là ung thư phổi "không hút thuốc". Ung thư xảy ra do sự cố trong quá trình phân chia và nhân đôi tế bào. Sự cố ban đầu có thể do hóa chất như khói thuốc lá gây ra hoặc đột biến DNA chẳng hạn BRCA.
Ung thư phổi của Lin do một đột biến xảy ra khi thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) -protein trên bề mặt một số tế bào, hoạt động bất thường và bắt đầu phân chia không kiểm soát.
"Đột biến này có trong cơ thể của 50% bệnh nhân ung thư châu Á và 20% bệnh nhân ung thư da trắng (không phải gốc Tây Ban Nha). Chưa rõ tại sao người châu Á lại có đột biến này nhiều hơn các nhóm khác", Lin nói.
Đột biến EGFR có thể làm ung thư trở nên hung hãn hơn. Vì nó thường là đột biến duy nhất trong ung thư phổi của người không hút thuốc, căn bệnh khó điều trị hơn, bởi tế bào ung thư trông không khác biệt so với tế bào, mô bình thường.
Tuy nhiên, có một điểm sáng trong việc sở hữu đột biến này. Bác sĩ Lin và những bệnh nhân như ông đủ điều kiện sử dụng liệu pháp nhắm mục tiêu. Ông đang sử dụng loại thuốc khá mới, có tên osimertinib, tấn công các tế bào ung thư bị đột biến. Thuốc nhắm mục tiêu chính xác vào ung thư nên ít tác dụng phụ.
"Tôi cảm thấy mình may mắn cả về mặt điều trị và cuộc sống nói chung", Lin nói.
Những gì Lin học được từ ung thư
Giới y khoa có câu "Bác sĩ là những người bệnh nhân tệ nhất". Để tránh rơi vào "cái bẫy" của việc biết quá nhiều, ông được khuyên không nên dành thời gian xem xét tài liệu và các dự báo.
"Là bác sĩ, bạn có thói quen nhìn vào những chỉ số sinh hiệu. Mọi người bảo tôi không nên làm điều đó", ông cho biết.
Việc mắc ung thư khiến ông thêm đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc những thách thức bệnh nhân gặp phải.
"Tôi là bác sĩ, là chuyên gia hệ thống y tế, vậy mà vẫn phải vượt qua những rào cản kỳ lại", ông nói.
Lin tìm thấy sự an ủi bất ngờ trong tinh thần tâm linh. "Khi tôi được chẩn đoán, mọi người từ nhiều nền tảng và hoàn cảnh khác nhau - bệnh nhân, đồng nghiệp - đã đến để cầu nguyện cùng tôi", Lin kể lại.
Thục Linh (Theo Yahoo Life)