Ngày 6/8, TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, từng phẫu thuật ở Hà Nội lúc hai tháng tuổi. Sau mổ, bé diễn tiến xơ gan giai đoạn cuối, cần phẫu thuật ghép gan để tiếp tục cuộc sống.

Bố của bé có nguyện vọng hiến gan cho con, xét nghiệm phù hợp, song gan nhiễm mỡ cần điều chỉnh dinh dưỡng, tập luyện giảm cân. Trong khi chờ đợi, bé sốt cao, lừ đừ, vào viện bác sĩ chẩn đoán bệnh não gan, nhiễm trùng huyết, viêm phổi. Triệu chứng thần kinh đặc biệt nặng, bé lơ mơ, co gồng trong bệnh cảnh não gan, không đáp ứng với điều trị và tử vong.

"Một số trẻ tử vong vì không có người cho gan phù hợp, số khác thì không thể đợi được trong thời gian chờ người hiến điều chỉnh các bệnh lý như thừa cân, gan nhiễm mỡ, lao phơi nhiễm..., rất đáng tiếc", bác sĩ Trí nói.

BS-Tra-n-Thanh-Tri-1552-1722915306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qTpaC-o8zlWix2o8wKGZjA

Bác sĩ mổ ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Theo bác sĩ Trí, ghép gan là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy, xơ gan giai đoạn cuối. Với suy thận, bệnh nhân chưa ghép có thể kéo dài sự sống nhờ chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc. Riêng với ghép gan, trẻ chỉ có một khoảng thời gian vàng, đòi hỏi phải nỗ lực chạy đua với thời gian để kịp cứu.

Trong bối cảnh này, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết gần đây bệnh viện tăng tốc ghép gan để thêm nhiều trẻ được sống. Hai năm qua, nơi này thực hiện 24 ca ghép, gấp đôi số ca trong 15 năm trước đó. Đặc biệt, 13 tháng qua, bệnh viện thực hiện 12 ca, tức mỗi tháng một ca, thay vì một trường hợp một năm như trước.

Hiện, hơn 200 trẻ trong danh sách chờ ghép gan của bệnh viện. Rào cản lớn nhất là thiếu nguồn tạng hiến. 36 ca ghép gan tại đây đều từ người cho sống, đa số là bố mẹ cho con. Ngoài ra, chi phí cũng là vấn đề lớn, gia đình phải trả khoảng 300-400 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm y tế, chưa kể tiền uống thuốc chống thải ghép lâu dài sau mổ.

Để tăng số ca ghép, giảm số trẻ qua đời vì mòn mỏi chờ gan, các bác sĩ kỳ vọng có thêm nguồn tạng hiến từ người chết não. Đến nay, phía Nam chưa có trẻ nào được ghép gan từ nguồn hiến tình nguyện này. Ngoài ra, Việt Nam cần sớm cho phép hiến tạng nhân đạo ở trẻ em chết não dưới 18 tuổi, như nhiều nước trên thế giới.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022