Ngày 22/1, GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Vinmec, cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam, các chuyên gia thay thế đồng thời cả xương chậu và một phần xương đùi trong một lần mổ để điều trị loại ung thư xương hiếm gặp.
"Ca mổ đã sử dụng thiết kế xương nhân tạo mới in 3D do đội ngũ bác sĩ, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thử nghiệm qua gần 100 tình huống mô phỏng để đạt độ tối ưu cao nhất, giúp cứu được tính mạng và đẩy nhanh thời gian phục hồi cho người bệnh", GS Dũng nói.
Bệnh nhân quê ở Thanh Hóa, phát hiện ung thư xương rất ít gặp ở vị trí xương chậu. Trong khi đó, khối ung thư đã xâm lấn ra toàn bộ cấu trúc xung quanh khớp háng gồm xương chậu, bao khớp và đầu trên xương đùi. Do là bệnh lý phức tạp nên nhiều bệnh viện đều chưa có giải pháp tối ưu, phần lớn đều chỉ định mổ tháo bỏ một bên khung chậu. Song, phương pháp này để lại nhiều hạn chế như cơ thể tàn phế, chỉ nằm một chỗ, tâm lý ảnh hưởng nặng nề, khả năng sống sau mổ thấp, người bệnh từ chối điều trị.
Khi tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Dũng nhận định mấu chốt là sau phẫu thuật triệt căn loại bỏ tổ chức ác tính thì phải tạo hình lại được khuyết hổng xương chậu và xương đùi, giúp bệnh nhân vận động và đi lại được. Bài toán hóc búa nhất là lựa chọn loại vật liệu và cách thức ghép xương nhân tạo như thế nào để tái tạo lại hình thể, chức năng của phần xương ở vùng chịu lực lớn nhất cơ thể sau khi bị cắt bỏ.
Trên thế giới đã có một số ca thay xương chậu 3D in titan được báo cáo. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào thay đồng thời xương chậu và nửa trên xương đùi điều trị ung thư được ghi nhận, theo GS Dũng. Các giải pháp tạo hình xương khác như sử dụng nẹp vít, ghép xương từ PEEK đều không thể tạo được liên kết sinh học với xương chậu, hay không đủ vững chắc để chịu được trọng lực cơ thể, đồng thời khó phục hồi lại các điểm bám gân cơ. Do đó sau mổ, khả năng ngồi, đứng hay đi lại của bệnh nhân rất hạn chế.
Cuối cùng, ê kíp nghĩ giải pháp tự thiết kế ra xương nhân tạo cấy ghép cho bệnh nhân này do ông cần mổ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa khối u tiến triển xâm lấn.
Bác sĩ Phạm Trung Hiếu, phó giám đốc Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUni, cho biết sau hơn 2 tuần chạy đua với thời gian, liên tục thử nghiệm trên gần 100 mẫu thử hình dạng, cấu trúc khác nhau, ê kíp đã lựa chọn được một thiết kế tối ưu nhất cho ca bệnh. Ca mổ đã được kịp thời tiến hành, chỉ sau gần một tháng bệnh nhân nhập viện.
Bệnh nhân thành thạo di chuyển bằng nạng với quãng đường lên tới 50m sau 10 ngày mổ. Ảnh: Lê Nga
Ca phẫu thuật cùng lúc 2 vị trí đã được hiện thành công sau 8 tiếng, không có biến chứng. Thông thường, nếu chỉ thay thế riêng phần xương chậu, thời gian mổ có thể kéo dài 8-12 tiếng.
Hậu phẫu ngày thứ 2, bệnh nhân có thể tự mình ngồi dậy vững chắc, tập di chuyển bằng nạng với quãng đường lên tới 50 m sau 10 ngày. Thời gian hồi phục trong trường hợp này, khi so sánh với một số báo cáo trong nước và quốc tế về thay xương chậu nhân tạo, đã rút ngắn chỉ còn 1/3 thời gian.
"Khi xem trên mô phỏng máy tính trước mổ, hy vọng đi lại được của tôi mới chỉ nhen nhóm. Giờ đây, tôi đã thực sự đi lại được", bệnh nhân nói.
Lê Nga