Người phụ nữ sống ở Hà Nội, cao 1,58 m, nặng gần 60 kg, đã cố gắng cắt giảm tinh bột và calo tối đa để giảm cân. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, cân nặng của cô không những chững lại mà còn tăng lên. Thanh thường xuyên căng thẳng, mất ngủ và thèm đồ ngọt, kèm cảm giác đói cồn cào do nhịn ăn quá mức.

Trong lần khám sức khỏe, Thanh được chẩn đoán béo phì độ 1. Kết quả xét nghiệm cho thấy mỡ máu cao, với chỉ số cholesterol lên đến 9,9 mmol/l, gấp đôi ngưỡng an toàn (dưới 5,1 mmol/l). Bác sĩ giải thích cholesterol xấu và triglyceride tăng cao bất thường sẽ tích tụ âm thầm trên thành mạch máu, dần hình thành mảng xơ vữa, thu hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu và đe dọa sức khỏe tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân, cho rằng khi cơ thể bị bỏ đói, nó sẽ chuyển sang trạng thái dự trữ mỡ, gây tăng cân. Ngoài ra, việc nạp ít tinh bột nhưng lại tiêu thụ đường và các loại tinh bột xấu khác cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh như mỡ máu, đường huyết. Sau đó, Thanh đã được tư vấn về chế độ ăn uống và kế hoạch vận động toàn diện.

Những trường hợp như Thanh không phải là hiếm. Nhiều người dù đã cắt giảm tinh bột, thậm chí tập luyện đều đặn, nhưng cân nặng vẫn tăng và mỡ máu vẫn cao. Điển hình, ngày 14/7, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận một chàng trai 22 tuổi đến khám vì đau sưng khớp cổ chân trái. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh mắc nhiều bệnh lý chuyển hóa, bao gồm béo phì, gout, rối loạn chuyển hóa lipid máu và gan nhiễm mỡ độ II.

Chàng trai tỏ ra bất ngờ vì anh gần như không ăn hoặc ăn rất ít tinh bột, ngược lại còn thường xuyên chạy bộ và tập gym đều đặn. Tuy nhiên, anh có thói quen ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, trâu...), nội tạng động vật, hải sản và uống rượu bia, nghĩ rằng việc tập luyện sẽ "đốt hết calo". Bác sĩ nhận định chính thói quen này là nguyên nhân gây ra các bệnh về mỡ máu và béo phì. Bệnh nhân sau đó được tư vấn uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn.

a-nh-ma-n-hi-nh-2025-06-11-lu-4488-9919-1752483661.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hij2mGxu1ad0yjuIMZYP3g

Một bệnh nhân khám vì tê bì tay chân, mỡ máu. Ảnh: Lê Phương

Bác sĩ Tân cũng cho biết nhiều người cắt giảm tinh bột quá mức nhưng lại ít vận động hoặc không tập thể dục. Khi đó, cơ thể không tiêu thụ năng lượng hiệu quả như người tập luyện thường xuyên, dẫn đến việc vẫn có thể tăng cân.

Ngoài ra, khi cắt giảm tinh bột quá mức mà thành phần dinh dưỡng không cân đối – ví dụ, ăn nhiều thức ăn chứa chất béo, đường, thịt đỏ, nội tạng động vật, rượu bia... trong khi lại thiếu các chất thiết yếu – cơ thể sẽ luôn cảm thấy đói và thèm ăn. Những chất không cần thiết nạp vào sẽ chuyển hóa thành mỡ dự trữ, còn những chất cơ thể cần lại không được cung cấp, về lâu dài sẽ gây tăng cân.

Thực tế, nhiều người mới bắt đầu cắt giảm calo thường thấy hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên, sau khoảng 6-8 tuần, cơ thể sẽ nhận ra lượng calo nạp vào ít hơn lượng đốt cháy và tự điều chỉnh quá trình trao đổi chất, làm chậm lại, khiến việc đốt năng lượng và mỡ trở nên khó khăn hơn.

Một số người hạn chế calo nghiêm ngặt, thậm chí tập luyện quá mức, gây mất cân bằng hormone. Đây là lý do khiến việc ăn ít, tập nhiều vẫn có thể tăng cân. Điển hình, hạn chế calo làm giảm hoạt động của hormone tuyến giáp, khiến quá trình chuyển hóa chậm lại và gây khó khăn cho việc giảm cân. Ngoài ra, cách này còn tăng nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu cho tuyến giáp như kẽm, iốt, selen hoặc magie.

"Vì vậy, dù có cắt tinh bột, nhưng nếu chuyển hóa cơ bản thấp, kết hợp với lối sống ít vận động và lượng cơ thấp, việc giảm cân sẽ rất khó, thậm chí có thể gây tăng cân, béo phì", bác sĩ lý giải.

Béo phì là một bệnh mạn tính tương tự đái tháo đường, tim mạch, có thể dẫn đến các bệnh về chuyển hóa, mỡ máu, huyết áp cao và tình trạng viêm mạn tính. Mỡ nội tạng dư thừa làm tăng cholesterol xấu (LDL), giảm cholesterol tốt (HDL), dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim, theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam.

Rối loạn mỡ máu, dù cơ thể gầy hay béo, đều là tình trạng bất thường về lượng lipid trong máu, bao gồm sự gia tăng cholesterol xấu (LDL-C), triglyceride hoặc suy giảm cholesterol tốt (HDL-C). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỡ máu cao có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não và 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 153.000 người bị mỡ máu. Đáng chú ý, một khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM trên 700 người từ 30-69 tuổi có chỉ số BMI bình thường (18,5-25) cho thấy có đến 77,8% trong số đó vẫn bị rối loạn mỡ máu.

Nhiều bệnh nhân béo phì đồng thời mắc bệnh mỡ máu cao. Nguyên nhân là béo phì làm tăng nồng độ triglyceride, cholesterol toàn phần và LDL trong máu, đồng thời giảm tỷ trọng cholesterol tốt. Béo phì còn kích thích các tế bào kháng insulin, thúc đẩy gan và tế bào mỡ tăng cường giải phóng nhiều loại chất béo khác nhau vào máu, dễ dẫn đến bệnh mỡ máu cao.

Mỡ máu cao thường không có triệu chứng cụ thể, nhưng đôi khi có thể xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, lạnh chân và các vết loét chậm lành. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt là các sợi thần kinh nhỏ chịu trách nhiệm truyền tải cảm giác đau, nhiệt độ và một phần chức năng vận động. Khi bị tổn thương, chúng có thể dẫn đến các triệu chứng tê bì, đau rát, nhức nhối hoặc cảm giác như kim châm ở tay chân.

xoi-2-vnexpress-1752122047-617-2264-4319-1752483660.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W-9wdb_Sx1V1svyjCrcwJA

Cắt giảm tinh bột quá mức vẫn có thể tăng cân, từ đó nguy cơ mỡ máu. Ảnh minh họa: Bùi Thủy

Theo các chuyên gia, giảm cân đúng cách kết hợp lối sống khoa học có thể giảm chỉ số triglyceride và LDL trong ngắn hạn, đồng thời góp phần tăng nồng độ HDL về lâu dài. Mức độ giảm cân và mỡ máu có thể khác nhau tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, lối sống, chế độ dinh dưỡng, vận động và tiền sử bệnh lý của mỗi người. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc giảm cân và mỡ máu quá nhanh hoặc sai cách có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

Thay vì ăn ít và cắt giảm quá mức, cần ăn đúng cách bằng việc giới hạn thời gian ăn trong 8-12 tiếng. Hãy ăn chậm, nhai kỹ, kéo dài thời gian ăn trên 25 phút và phối hợp đủ 4 nhóm chất: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, chỉ nên ăn no 80%.

Bạn có thể áp dụng quy tắc "chiếc đĩa" để kiểm soát khẩu phần: 50% rau củ quả, 25% protein và 25% tinh bột. Nên chọn thực phẩm lành mạnh, rau củ nên luộc hoặc hấp, nấu canh. Khi xào, sử dụng các loại dầu lành mạnh như dầu ô liu, dầu quả bơ, và đảm bảo khẩu phần rau có 3-5 màu sắc. Ưu tiên tinh bột hấp thu chậm như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, khoai lang... Protein từ thịt, cá, trứng, riêng thịt đỏ tối đa 100 g/ngày và không ăn quá hai lần một tuần.

Nên áp dụng quy tắc ăn ngược bằng cách ăn chất xơ, canh rau trước, sau đó đến protein, và cuối cùng là tinh bột, để tạo cảm giác no sớm cho cơ thể.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022