Ngày 14/4, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thịt bò thuộc nhóm thịt đỏ, là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon. Thịt bò chứa nguồn protein chất lượng, cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển cơ thể. Ngoài ra, chất dinh dưỡng này còn có lợi cho người bệnh sau phẫu thuật, vận động viên hay người muốn duy trì và xây dựng khối lượng cơ bắp.
Creatine trong thịt giúp xây dựng cơ bắp, mang lại khả năng tập luyện bền bỉ, sức chịu đựng và vận động được lâu hơn, rất cần cho người tập thể hình cũng như vận động viên. Chất taurine tham gia vào một số chức năng của cơ thể như điều chỉnh khối lượng tế bào, ổn định màng tế bào, điều chỉnh lượng canxi trong tế bào.
Ngoài protein, thịt bò giàu vitamin B6, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, thúc đẩy phục hồi thể chất sau tập luyện hay làm việc căng thẳng. Vitamin B12 trong thịt đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất DNA.
Bên cạnh đó, thịt bò là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Trong 87 g thịt bò nạc cung cấp 2-3 mg sắt. Đây là yếu tố vi lượng mà nhiều trẻ em gái vị thành niên cũng như phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu. Sắt vận chuyển oxy tới cơ bắp thông qua các tế báo máu đỏ, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng. Sắt còn có tác dụng đến hoạt động của gan, thúc đẩy bộ phận này làm việc hiệu quả hơn.
Thịt bò nhiều giá trị dinh dưỡng, giàu protein và sắt, tốt cho sức khỏe nói chung. Ảnh: Bùi Thủy
Bác sĩ Vũ lưu ý, người bị bệnh sỏi thận không nên ăn thịt bò do chúng giàu protein, khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành thêm sỏi. Người mắc bệnh gout cũng hạn chế do thịt có thành phần đạm cao, sẽ làm tăng acid uric. Người bệnh mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường nên ăn lượng phù hợp vì thịt này chứa lượng chất béo bão hòa cao. Mặt khác, người có hệ tiêu hóa kém nên tiêu thụ ít, hoặc chế biến hợp lý như ninh, hầm.
Người dân thận trọng khi sử dụng nội tạng bò, mặc dù ngon miệng và có giá trị dinh dưỡng nhưng chúng tiềm ẩn bệnh tật vì lượng cholesterol cao, chứa nhiều virus, vi khuẩn, ký sinh trùng (giun, sán). Mọi người nên ăn thịt bò đã được nấu chín, đề phòng sán xâm nhập cơ thể. Ngoài ra, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 500 g thịt đã nấu chín mỗi tuần.
Theo y học cổ truyền, thịt bò vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, lợi huyết, mạnh gân xương, được sử dụng như một loại dược liệu, kết hợp với các gia vị thành các món ăn như thịt bò nấu nhừ với hồ tiêu, sa nhân, trần bì, vỏ quế, gừng tươi. Thịt bò ăn kèm rượu vang đỏ giúp ngon miệng và kích thích tiêu hóa.
Thúy Quỳnh