Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tiếp tục lạnh, lượng trẻ đến viện khám do mắc bệnh hô hấp tăng gấp đôi, gấp ba so với các tháng trước.
Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết trời lạnh, trẻ em có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn, dễ lây nhiễm bệnh do một số virus phát triển nhanh và mạnh khi không khí mát và ít ẩm. Lúc này, sức đề kháng trẻ yếu, càng dễ bị các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công. Ngoài ra thói quen ăn ngủ bị thay đổi, gián đoạn khi thời tiết thay đổi cũng có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng.
Các bệnh trẻ thường gặp trong mùa đông:
Viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản thường gặp ở trẻ dưới một tuổi hoặc trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... Triệu chứng thường gặp là ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn, kéo dài trong một đến hai tuần. Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh có thể kéo dài trong nhiều tuần liền.
Do đó, hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến hai tuổi để tăng cường kháng thể. Thường xuyên giữ ấm trẻ, nhất là ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay. Khi trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi... nên đưa đến bệnh viện sớm.
Cúm
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus phổ biến nhất. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Biểu hiện ban đầu là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.
Người bệnh cúm B thường diễn biến nhẹ, còn cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận... Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ. Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn, bác sĩ có chỉ định riêng.
Cách phòng ngừa và giảm các biến chứng của cúm tốt nhất là tiêm vaccine.
Cảm lạnh thông thường
Đây là một bệnh do virus gây ra, các triệu chứng thường nhẹ. Trẻ có thể bị sốt nhẹ ngay từ khi mắc bệnh. Các triệu chứng thường gặp là chảy mũi, tắc mũi, ho, đau họng, sốt. Nhiều người nôn ói và tiêu chảy. Khi trẻ bị cảm lạnh, cần nghỉ ngơi, chủ yếu điều trị hỗ trợ các triệu chứng.
Viêm họng do vi khuẩn
Đây là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, dễ lây lan. Bệnh gặp vào mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân, đặc biệt ở trẻ nhóm từ 5 đến 15 tuổi. Các triệu chứng bao gồm đau họng, khó nuốt, sốt, đau bụng, đau đầu. Ho và chảy mũi thường không gặp trong viêm họng.
Viêm họng do vi khuẩn có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng bằng thuốc kháng sinh. Nếu không điều trị, trẻ có nguy cơ áp xe vùng hầu họng, hay sốt cao.
Tiêu chảy
Tiêu chảy virus là một trong những bệnh phổ biến của trẻ trong mùa đông. Bệnh do rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong ba đến bảy ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3-24 tháng tuổi.
Khi trẻ bị tiêu chảy, gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không ép ăn nhiều mà hãy để trẻ uống nước đầy đủ, dùng những dung dịch như Oresol để bù lượng nước mất, tránh mất sức. Nếu trẻ sốt cao, phân có máu, đàm, hoặc đau bụng nhiều cần gặp bác sĩ ngay.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo bố mẹ nên dạy trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước các bữa ăn.
Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của các chủng cúm.
Không nên đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi dẫn đến mất nước và kiệt sức, suy giảm đề kháng, khiến bệnh trầm trọng hơn. Người bị ốm cần giữ sức khỏe trong vài ngày đầu, hạn chế ra ngoài để cơ thể bình phục hoàn toàn, vận động hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin...
Gia đình cần theo dõi trẻ khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay (khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều...). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay tích trữ thuốc tại nhà.
Minh An