Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển. Ảnh: News Emory/TTXVN
Trong nghiên cứu mang tên PANORAMIC do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford dẫn đầu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh thuốc uống molnupiravir với phương pháp điều trị tiêu chuẩn ở những người trên 50 tuổi hoặc những người từ 18 tuổi trở lên với các bệnh lý nền. Gần như toàn bộ trên 25.000 bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã được tiêm ít nhất ba mũi vaccine phòng COVID-19. Kết quả cho thấy sức khỏe của bệnh nhân xấu đi sau 5 ngày mắc bệnh hoặc ít hơn trong môi trường cộng đồng.
Trước đó, theo kết quả thử nghiệm ban đầu của hãng Merck, thuốc molnupiravir giúp giảm 30% tỷ lệ nhập viện, nhưng đó là ở những bệnh nhân chưa tiêm phòng.
Theo đồng tác giả của nghiên cứu, ông Jonathan Van-Tam thuộc Đại học Nottingham, những kết quả này cho thấy hiệu quả phòng chống bệnh từ việc tiêm vaccine mạnh đến nỗi việc sử dụng thuốc uống molnupiravir trong phác đồ điều trị COVID-19 không mang lại lợi ích rõ ràng trong giảm hơn nữa tỉ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19.
Tuy nhiên, thuốc molnupiravir lại hiệu quả trong việc giảm tải lượng virus và từ đó có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của bệnh nhân trong khoảng 4 ngày. Đồng trưởng nhóm điều tra nghiên cứu, ông Chris Butler của Đại học Oxforn cho rằng có thể có những trường hợp trong đó thuốc molnupiravir mang lại hữu ích, ví dụ như trong trường hợp các hệ thống y tế bị quá tải, thì thuốc này có thể được sử dụng để giúp những nhân viên y tế nhanh chóng trở lại làm việc được.
Thuốc molnupiravir đã mang lại doanh thu gần 5 tỷ USD cho hãng Merck & Co trong 3 quý đầu năm 2022.